Ngô Thị Hạnh - công nhân có đôi bàn tay vàng
Trong không khí khẩn trương, tất bật tại xưởng sản xuất đồ da của Công ty LADODA, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, gương mặt sáng đang tập trung cao độ để may sản phẩm cặp sách học sinh. Đó là chị Ngô Thị Hạnh, Chuyền phó Chuyền may II. Lần đầu tiên gặp chị, chất giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười tươi thường trực đã tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với người đối diện.
Khu vực sản xuất đồ may Da của Công ty LADODA |
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hạnh cho biết, sinh năm 1981 tại làng nghề Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) – làng có truyền thống làm đồ da nên từ nhỏ chị Hạnh đã có niềm đam mê với các sản phẩm may da. 15 năm trước, chị Hạnh mang “niềm đam mê” của mình đến với Công ty LADODA.
Chị chia sẻ mình có nhiều thuận lợi để toàn tâm, toàn ý với nghề may da như: Máy móc hiện đại dễ dàng thực hiện các phương pháp may; hai vợ chồng cùng làm ở Công ty, nhà lại gần nơi làm việc; sự tạo điều kiện của ban lãnh đạo và ủng hộ, giúp đỡ của anh chị em công nhân khác.
Chị Ngô Thị Hạnh cần mẫn trong công việc tại xưởng may Da |
Trong thực tế sản xuất, chị Hạnh luôn chủ động hỗ trợ chuyền trưởng điều hành các công việc sản xuất của chuyền, đặc biệt là những sản phẩm may phức tạp, nhiều công đoạn sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật cao. Bản thân chị Hạnh đã có những sáng kiến được Công ty áp dụng, nhân rộng như làm cữ gá lắp sách đấu viền để dải né, cữ dán trên bàn máy. Nhờ vậy mà thay vì phải đánh dấu từng chi tiết trên sản phẩm như trước kia, nay việc may sản phẩm dễ hơn, nhanh hơn, đẹp hơn; đồng thời tiết kiệm thời gian may, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.
Hiện với trình độ tay nghề kỹ thuật cao bậc 5/6, chị Hạnh không những tham mưu, đề xuất với lãnh đạo công ty về việc nâng cao tay nghề cho công nhân mới, tay nghề bậc thấp mà còn trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ từ 10 – 15 công nhân trẻ, tay nghề chưa cao; thường xuyên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm trong công việc cho công nhân lao động thuộc đơn vị để mọi người cùng học tập.
Chị Sái Thị Kim Anh, công nhân chuyền may II là một trong số lao động trẻ được chị Hạnh kèm cặp từ những ngày đầu mới vào Công ty. Chị Kim Anh chia sẻ: Vì không có chuyên môn may nên khi mới vào công ty bản thân e rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ bảo của chị Hạnh từ đường may, cách xỏ kim, xâu chỉ, phương pháp may nhanh, đơn giản, đến nay tay nghề của tôi đã khá hơn nhiều nên sản phẩm may vì thế được nhiều hơn, nhanh hơn, đẹp hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho tôi.
Chị Sái Thị Anh (bên phải) được chị Ngô Thị Hạnh kèm cặp ngay từ khi mới vào nghề |
Đối với những công nhân lâu năm, chị Hạnh luôn giữ thái độ hòa nhã, tận tình giải thích những thắc mắc trong công việc để xây dựng tập thể vững mạnh. Đó cũng là chia sẻ của anh Nguyễn Thái Sơn - công nhân Chuyền may II.
Bà Đinh Thanh Hà - Giám đốc điều hành, Công ty LADODA cho biết: "Công ty phát động nhiều phong trào như tăng năng suất lao động, sáng kiến cải tiến, bàn tay vàng ngành may da… giúp công nhân có sân chơi bổ ích, tạo không khí phấn khởi, thêm yêu nghề. Qua các cuộc thi này, Công ty phát hiện ra nhiều gương lao động điển hình, nổi bật là chị Hạnh – Chuyền phó Chuyền may II có nhiều năng khiếu nghề nghiệp. Trong quá trình làm việc, chị Hạnh có nhiều sáng kiến đề xuất với Công ty, trong đó có những sáng kiến cải tiến công cụ, dụng cụ tuy nhỏ nhưng đem lại hiệu quả thiết thực, được áp dụng rộng rãi giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm".
"Hội thi bàn tay vàng do Công ty LADODA tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng công nhân hằng năm của Liên đoàn lao động huyện Gia Lâm phát động. Đây là sân chơi bổ ích, tạo cho anh chị em công nhân thêm động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời tôn vinh công nhân có tay nghề cao" - Bà Hà khẳng định.
Nữ công nhân có đôi bàn tay vàng - Ngô Thị Hạnh truyền lửa cho anh chị em công nhân với những thành tích đạt được qua các cuộc thi, hội thi |
Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề và 10 năm được tham gia các kỳ thi, hội thi ngành may da, theo chị Hạnh: Là người trực tiếp sản xuất, yếu tố quan trọng là tỉ mỉ, ham học hỏi. May da có đặc thù liên quan đến thời trang, thị trường, do đó mỗi người phải thường xuyên cập nhật tin tức, nghiên cứu kỹ thuật để có thể làm ra sản phẩm đẹp, bền và nhanh nhất. Do đó, 5 năm gần đây, chị Hạnh luôn đạt giải cao trong các hội thi: Năm 2017 giải nhất Hội thi Thợ giỏi thành phố; năm 2018 đạt danh hiệu Công nhân Giỏi Thủ đô; tháng 3 năm 2019 đạt giải Nhì Hội thi Bàn tay vàng ngành may Da… “Đây cũng là những phần thưởng động viên tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công việc, cùng tập thể anh chị e công nhân và Ban Giám đốc đưa Công ty LADODA ngày càng phát triển” – chị Hạnh nói.
Một bông hoa đẹp - cách ví von như vậy về chị Ngô Thị Hạnh có lẽ không quá khi hằng ngày, hằng giờ, bông hoa đẹp đó vẫn không ngừng tỏa hương, góp thêm thành tích cho Công ty LADODA ngày càng vươn xa.