Nghiên cứu tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I/2025.
Hà Nội: Không báo trước khi kiểm tra các cơ sở về an toàn thực phẩm Hàng chục nghìn cơ sở bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 20/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả có thể lượng hóa được trên nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đến chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; tiếp tục đề xuất, tổ chức thực hiện có kết quả nhiều đề án, chương trình về bảo đảm an toàn thực phẩm...; tiếp tục khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó các cơ quan, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, đáng biểu dương như: công an, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, các cơ quan truyền thông tiếp tục có nhiều sáng kiến hiệu quả, tích cực góp phần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc chuẩn bị một số đề án còn chậm so kế hoạch đề ra.

Nghiên cứu tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm
Ảnh minh họa.

Trên thực tế, số vụ vi phạm còn nhiều, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Nhận thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao. Công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi còn hạn chế...

Về định hướng nhiệm vụ năm 2025, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025 là tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế là chủ lực, có sự tham gia của các ngành nông nghiệp, công thương, công an; tuyên truyền toàn diện hơn, chú trọng tuyên truyền về chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với vi phạm an toàn thực phẩm.

Trên tinh thần đó, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng dự án luật sau khi đề nghị được chấp thuận, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay trong năm 2025.

Trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như phân định nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trong quý I/2025 để xử lý ngay các vướng mắc, bất cập đang rất cấp bách trong thực tế. Trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần quan tâm nội dung về chuyển đổi số.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, tập trung tuyên truyền về phòng ngừa, nâng cao ý thức người dân; chú trọng, tăng cường tuyên truyền về chế tài xử phạt.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I/2025; phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo chi tiết, đề xuất cụ thể về việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; tổ chức một cuộc họp riêng của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cho ý kiến về vấn đề này, nhất là về kết nối, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm được giao, bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, soạn thảo, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ; trình Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm phù hợp yêu cầu quản lý, theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Bộ Y tế chủ động trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thực hiện theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động