Thực phẩm “bẩn”: Đến hẹn lại lo

Cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn thực phẩm bẩn lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm dịp cận Tết Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc Một số lưu ý về an toàn thực phẩm ngày Tết

Liên tiếp các vụ thực phẩm bẩn

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân đang tăng lên. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương sẵn sàng dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn hàng hóa hết hạn sử dụng... ra thị trường.

Mới đây nhất là một cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thực phẩm snack, bánh ngũ cốc, bánh ngũ cốc phủ socola, kẹo Socola ở Phù (Hà Nội) đã bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm kinh khủng.

Nằm cách không xa trung tâm thành phố Hà Nội, xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lâu nay đã nổi tiếng với tên gọi “Kinh đô bánh kẹo miền Bắc”. Đây cũng là nơi sản xuất nhiều mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thực phẩm “bẩn”: Đến hẹn lại lo
Phòng phụ gia hóa chất của cơ sở Đức Vinh (La Phù, Hà Nội) bẩn hơn nhà vệ sinh công cộng

Qua kiểm tra đột xuất tại Công ty CP Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh cho thấy hầu hết các sản phẩm được làm ra ở đây có bao bì khá bắt mắt, không thua kém hàng ngoại nhập với chữ Hàn Quốc trên bao bì.

Trái với mẫu mã bao bì ấn tượng đó, mọi việc diễn ra bên trong các dây chuyền sản xuất khiến đoàn kiểm tra bất ngờ về mức độ nhếch nhác, bẩn thỉu, mất ATTP ở bên trong xưởng sản xuất.

Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, không theo quy tắc một chiều; không phân khu riêng biệt; không khép kín. Các loại bim bim được đổ xuống sàn đất két bẩn dầu mỡ, công nhân dùng tay không bốc sản phẩm đóng gói.

Phòng pha chế phụ gia sản phẩm bẩn hơn… nhà vệ sinh công cộng. Trong xưởng sản xuất có cả xác chuột chết chưa dọn đi đã bốc mùi hôi thối. Đội ngũ công nhân ở đây đều không được trang bị thiết bị bảo hộ chuyên dụng để làm việc.

Kho nguyên liệu của hộ sản xuất với gần chục bao tải bột, cùng xô, thùng nguyên liệu được bày ngổn ngang trên sàn nhà lênh láng đất bẩn, thậm chí vải vụn rác thải cũng được để chung với nhau.

Công ty cũng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc một số loại phụ gia, nguyên liệu; giấy khám sức khoẻ của 7 nhân viên lao động tại đây đã hết hạn...

Tương tự, đối với công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông – cơ sở sản xuất và cung ứng kẹo cứng và bánh quy (Cụm công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội), khi đoàn kiểm tra đến, cơ sở này chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 12 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Ngoài ra, khu vực cửa sổ không có trang thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại; có gián trong khu vực sản xuất. Nhà xưởng sắp xếp lộn xộn, còn nhiều phế liệu, thực phẩm còn để trực tiếp dưới sàn nhà.

Cơ sở thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên; không có dụng cụ phòng chống côn trùng và động vật gây hại xâm nhập. Khu vực để thành phẩm không có giá kệ, không có biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không có kho để nguyên liệu, hiện tại nguyên liệu đường, mật để dưới sàn nhà.

Theo báo cáo từ UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn hiện có 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 9 làng nghề chế biến thực phẩm. Dịp Tết năm nay, các đoàn kiểm tra đã giám sát 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó phát hiện và xử phạt 34 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 593 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 322 triệu đồng và chuyển 1 vụ việc sang công an để điều tra.

Tết đến lại lo

Dịp cuối năm bận rộn, nhiều người cũng lựa chọn hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức và đặt niềm tin về an toàn thực phẩm vào người bán hàng trên mạng. Từ thịt, cá, hải sản tươi sống cho đến rau, trái cây,... chỉ cần dạo chợ online và đặt hàng là có thể mua được mọi thứ.

Tuy nhiên, hình thức mua sắm online thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi, bởi sự tiện lợi, sản phẩm đa dạng nhưng khi mua thực phẩm trên mạng, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn dựa trên hình ảnh được chụp và theo cảm tính.

Thực phẩm “bẩn”: Đến hẹn lại lo
Chỉ cần đăng nhập các trang mạng xã hội, thương mại điện tử, website… sản phẩm là thực phẩm phục vụ Tết được giới thiệu rất đa dạng, phong phú

Không ít người đã gặp phải những tính huống dở khóc, dở cười thậm chí tiền mất tật mang khi mua thực phẩm qua các trang mạng xã hội.

Dịp cuối năm, công việc bận bịu nên chị Tú Anh (Giảng Võ, Hà Nội) quen với việc sắm Tết bằng việc mua đồ ăn, thức uống qua các trang thương mại điện tử thay vì đến chợ dân sinh truyền thống.

Theo chị Tú Anh từ rau, hoa quả đến thịt, cá, hải sản tươi sống đến các mâm cỗ cúng hay bánh chưng, bánh kẹo chỉ cần dạo mạng, đặt hàng bạn có thể mua được mọi thứ. Các mặt hàng thực phẩm online nhiều khi còn đa dạng và phong phú hơn cả chợ truyền thống.

Khi mua thực phẩm online, hầu hết mọi người đều lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính. Do đó, nhiều người đã từng phải “nuốt quả đắn”' khi mua hàng online vào dịp cuối năm.

Tôi đã từng phải đem cả 2 kg thịt bò đến tận cửa hàng bán online để trả vì bò nhận được không tươi, ngon như hình trên quảng cáo. Tưởng tiết kiệm thời gian hóa còn tốn kém thời gian, tiền bạc hơn cả đi chợ”, Bác Dung (Đội Cấn) bức xúc.

Chị Mỹ Anh ở Long Biên thì dở khóc dở cười khi năm đầu tiên về làm dâu, chị xung phong đặt mâm cỗ cho nhà chồng. Chị Mỹ Anh kể: “Theo như ảnh quảng cáo thì mâm cỗ rất đầy đặn, màu sắc bắt mắt. Nhưng khi nhận, tôi đã ‘vỡ mộng’ khi mâm cỗ lèo tèo, đồ ăn thì không được tươi. Tôi đành phải chạy nhanh ra siêu thị mua thêm một số thức ăn sẵn để thay thế”. Từ sau lần đó, tôi rất ngại khi mua đồ trên mạng.

Sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng là cơ sở để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm cũng như dịp tết gần kề. Tuy nhiên, để ngăn ngừa triệt để nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần thực hiện theo những khuyến cáo của ngành chức năng; có sự lựa chọn thông minh, chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xem kỹ hạn sử dụng, thông tin ghi trên sản phẩm.

Tụê Uyên
Phiên bản di động