Nghĩa tổ quốc, tình dân tộc!

Có gian nan mới thấu tình người, qua đại dịch mới càng hiểu được sự sẻ chia, đồng hành của Đảng và Nhà nước với nhân dân.
Có sai phạm nhưng chưa phát hiện chia chác tiền hỗ trợ của người dân Cử tri tin tưởng, phấn chấn trước tinh thần dân tộc trong phòng chống dịch Covid-19

Không để ai bị bỏ rơi

Khi dịch bệnh đang dần được đẩy lùi cũng là lúc niềm tin của người dân được nhân lên. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, nhiều chuyến bay đưa hàng nghìn công dân Việt Nam về nước tránh dịch từ các quốc gia đang bị Covid-19 hoành hành.

Và có lẽ, đây là lúc đồng bào Việt Nam mới hiểu được giá trị nghĩa tổ quốc, tình dân tộc của Đảng và Nhà nước với nhân dân, để họ không phải bơ vơ nơi xứ người.

Trong nước, dịch bệnh đã tác động nặng nề làm đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều gia đình khuynh gia bại sản, lao động mất việc... Trong bối cảnh đó, việc kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cũng như ban hành những quyết sách hỗ trợ sẽ giúp họ vượt qua giai đoạn đầy thử thách này.

Việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế... có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” của Thủ tướng Chính phủ.

nghia to quoc tinh dan toc
Người dân nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19.

Hàng loạt quyết sách được Nhà nước ban hành tiếp sức người dân vượt qua dịch bệnh; đặc biệt là gói hỗ trợ trị giá khoảng 62.000 tỷ đồng được hướng tới 20 triệu người. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ là một quyết định chưa từng có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Trong báo cáo ngày 20/5 gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15 về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến 20/5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng.

Trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người, đây là nhóm đối tượng chính sách được triển khai sớm nhất. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số tiền đã chi chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20/5 là 17.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương nhìn chung đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, một số địa phương có cách làm sáng tạo khi đã xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu, lọc người trùng lặp. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào trục lợi, chia chác tiền hỗ trợ của người dân.

Không để tiền hỗ trợ đi lạc đường

Xác định được vai trò, ý nghĩa to lớn của gói an sinh xã hội, một số địa phương đã ban kế hoạch cụ thể về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với phương thức chi trả hỗ trợ phân theo nhóm đối tượng, giao nhiệm vụ cho từng cấp, ban, ngành chịu trách nhiệm thực hiện quản lý, giám sát, chi trả theo quy định.

nghia to quoc tinh dan toc
Người dân TP Hưng Yên phấn khởi khi nhận tiền hỗ trợ.

Trong đó, tại tỉnh Hưng Yên, để đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch, nỗ lực không để sót, lọt, trùng lặp đối tượng thụ hưởng, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh này đã thường xuyên thông báo trên loa phát thanh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện đăng ký nhận hỗ trợ đến người dân và đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đồng thời đề nghị người dân thuộc các đối tượng theo hướng dẫn đến trụ sở để khai báo, đăng ký.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cử các tổ công tác xuống địa bàn để rà soát theo đúng tinh thần: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Từ đó tổng hợp, báo cáo số đối tượng bị ảnh hưởng theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan; thực hiện niêm yết công khai danh sách các đối tượng đủ điều kiện đề nghị Chủ tịch UBND huyện phê duyệt hỗ trợ tại trụ sở xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa khu phố, thôn, bản để nhân dân theo dõi giám sát thực hiện.

Theo ông Trần Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, đến hết ngày 21/5, tỉnh này đã thực hiện hỗ trợ 68.514 người thuộc nhóm đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội, đạt gần 65% số đối tượng thụ hưởng thuộc nhóm.

Ông Dũng cũng cho biết, dự kiến đến hết ngày 24/5, các địa phương trong tỉnh Hưng Yên sẽ hoàn thành việc hỗ trợ 3 nhóm đối tượng này và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật, hỗ trợ các nhóm đối tượng còn lại là người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh.

''Quá trình nhận hỗ trợ người dân đều phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ kịp thời về kinh tế cho nhân dân trong lúc khó khăn. Việc hỗ trợ bảo đảm công khai, minh bạch; quy trình thực hiện thủ tục hỗ trợ chặt chẽ; cán bộ chi trả được trang bị kiến thức, kỹ năng để kịp thời giải thích thấu đáo cho người dân khi có yêu cầu'', ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, để minh bạch việc chi trả tiền hỗ trợ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cũng đã lập đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc từ ngày 1/5. Trong đó phân công từng người cụ thể tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của từng nhóm đối tượng.

''Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Việc hỗ trợ không chỉ là về vật chất mà khiến người dân cảm thấy được sự sẻ chia, đồng hành với dân của Nhà nước. Đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm tình dân tộc'', một người dân tại TP Hưng Yên chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động