Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản: Bán hàng online hết cửa trốn thuế

Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ 5/12 tới đây cụ thể hoá một số điều của Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2020) được cho một “hàng rào kỹ thuật” hữu hiệu để truy thu thuế các cá nhân, tổ chức có nguồn thu từ Facebook, Google, Youtube…
Doanh nghiệp bánh trung thu đẩy mạnh bán hàng online Kinh doanh qua mạng nở rộ mùa dịch: Càng sôi động, càng thất thu thuế

Thất thu lớn vì trốn, né thuế

Khi đại dịch COVID-19 trở thành cơ hội vàng cho các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội Facebook, YouTube, Google... Một con số mới đây được đưa ra cho rằng có tới hơn 18.000 tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, YouTube…). Các tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng với tổng số thu nhập từ Google, Facebook, YouTube khoảng 1.462 tỉ đồng. Đó chỉ là con số sơ bộ, nếu rà soát kỹ vì thu thuế đủ đối với những cá nhân tổ chức phải chịu thuế khi kinh doanh qua mạng thì chắc chắn số lượng phải nhiều hơn.

Tuy nhiên lâu nay, việc truy thu thuế đối với các đối tượng này là khá thấp. Một số chuyên gia tài chính cho biết, việc quản lý và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số hiện nay của Việt Nam nhìn chung còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Rất nhiều mảng kinh doanh, đầu tư... qua các nền tảng công nghệ mà chúng ta còn chưa biết hết, đặc biệt là các trang mạng đặt tại nước ngoài..

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, gồm: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube...); các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).

Điển hình, tại Việt Nam, Netflix cung cấp dịch vụ từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam được cho là đã đạt trên 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỉ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng ký sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng. Như vậy, ngành Thuế hiện chưa thu được đồng thuế nào và cũng chưa có chế tài xử phạt trường hợp này.

Thị trường nóng - thu thuế… nguội

Chia sẻ với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói rằng, việc quản lý thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng thì thế giới cũng gặp khó, không riêng gì Việt Nam. Chính vì vậy, theo vị luật sư này, Việt Nam cần hoàn chỉnh, bổ sung các khái niệm, các quy định đối tượng thu thuế từ kinh doanh, đầu tư trên nền tảng công nghệ, nhất là khái niệm về “thường trú” theo khái niệm “không gian” mạng.

Cùng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa cơ quan thuế và sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại với chế tài xử phạt nghiêm nhằm xử lý triệt để tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế - thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan (các ngân hàng thương mại…) kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…). Đồng thời, qua thanh kiểm tra nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, Tổng cục Thuế đã thu được số thuế rất lớn.

Tại Hà Nội, từ năm 2017, Cục Thuế đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Đến nay, trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. Tổng số thuế và tiền phạt thu nộp từ loại hình kinh doanh trên được hơn 22,7 tỉ đồng.

Đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, YouTube...), qua dữ liệu do các ngân hàng TMCP cung cấp, có hơn 18.300 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng; với tổng số thu nhập từ Google, Facebook, YouTube khoảng 1.462 tỉ đồng. Qua đó, cơ quan thuế đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, kê khai nộp thuế và truy thu gần 14 tỉ đồng.

Với một môi trường kinh doanh qua mạng sôi động như hiện nay thì việc “chỉ thu” được có 14 tỉ đồng (tại Hà Nội) rõ ràng là chưa tương xứng và tỉ lệ thất thoát quá nhiều.

Sẽ hết cửa trốn thuế

Trong xu thế các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi, các ứng dụng kinh doanh online ngày càng phổ biến trong đời sống học tập, làm việc của người dân thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là hoạt động hết sức cần thiết. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lấy sự kết hợp của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại làm trọng tâm trong việc hỗ trợ thu thuế thương mại điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng vì sự phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến nền kinh tế số hóa, thì mọi giao dịch của nền kinh tế được thực hiện qua giao dịch ngân hàng.

Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2020) có một điểm mới là các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho NNT; bảo mật thông tin NNT... Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của NNT cho cơ quan quản lý thuế. Bên cạnh đó, các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của NNT bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Cụ thể hoá vấn đề này, điều 30 Nghị định 126/2020 quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản; Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Như vậy Nghị định 126/2020 đã giải quyết được khâu khó nhất hiện nay là thực hiện khấu trừ nộp thuế đối với những giao dịch mà nhà cung cấp không có trụ sở ở Việt Nam. Đây sẽ là bước tiến lớn để mảng thương mại điện tử bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế mà lâu nay vẫn né được thuế do quy định chưa cụ thể, rõ ràng

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động