Một thế hệ trẻ “không cam chịu”
Gửi niềm tin yêu vào thế hệ trẻ Thế hệ trẻ luôn biết ơn những cống hiến của cha anh |
Khoảng cách thế hệ vẫn “xa vời”
Sự khác biệt trong cách nhìn nhận và tiếp cận cuộc sống giữa các thế hệ đã tạo ra những mâu thuẫn không nhỏ. Thế hệ trước thường có xu hướng coi trọng tính kiên trì và nhẫn nhịn, bởi họ đã trải qua những thời kỳ khó khăn, thiếu thốn và cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được thành công. Đối với họ, kiên nhẫn và chịu đựng là những phẩm chất quý báu, giúp họ vượt qua những thử thách lớn trong cuộc sống.
Gen Z đang gánh trên vai gánh nặng kỳ vọng vô hình từ các thế hệ đi trước |
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, sự kiên trì và nhẫn nhịn đôi khi không đủ để đối phó với những thách thức mới. Thế giới hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải linh hoạt và sáng tạo. Giới trẻ hiểu rằng, để thành công, họ cần phải dám nghĩ lớn, dám thử thách và không ngại thất bại.
Những người trẻ không ngần ngại đặt câu hỏi về các quy tắc và quy trình cũ, những thứ mà thế hệ trước có thể đã chấp nhận mà không thắc mắc. Họ đưa ra các phương án mới, cải tiến cách thức làm việc và thậm chí là thay đổi cấu trúc tổ chức. Chính những điều này lại khiến nhiều người thuộc thế hệ trước cảm thấy khó chịu và đánh giá giới trẻ là nổi loạn, không biết thân biết phận và quái đản. Nhưng liệu những đánh giá này có thực sự công bằng?
Học cách “đứng lên” cho chính mình
Giới trẻ hiện đại không chấp nhận làm việc ở một nơi mà họ cảm thấy không thoải mái, không được tôn trọng hay không có cơ hội phát triển. Họ nhận thức rõ rằng, một công việc không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là nơi để phát triển bản thân, học hỏi và cống hiến. Vì thế, việc nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp hơn là một phần của quá trình tìm kiếm sự hoàn thiện và hài lòng trong công việc.
Theo một nghiên cứu của Deloitte, thế hệ Millennials và Gen Z, Alpha không chỉ tìm kiếm sự ổn định mà còn quan tâm đến môi trường làm việc, văn hóa công ty và cơ hội phát triển cá nhân. Họ sẵn sàng thay đổi công việc để tìm kiếm nơi phù hợp nhất với giá trị và mục tiêu của mình. Sự linh hoạt này giúp họ không chỉ tìm được công việc thích hợp mà còn là cơ hội khai phá tiềm năng của bản thân.
Có thể kể đến ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực mà việc nhảy việc khá phổ biến. Nhân viên trong ngành này thường thay đổi công việc để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn, dự án thú vị hơn và cơ hội thăng tiến cao hơn. Chính điều này đã tạo nên một thị trường lao động năng động, nơi mà cả người lao động và nhà tuyển dụng đều phải liên tục cải thiện để đáp ứng nhu cầu.
Chỉ riêng khoảng cách thế hệ giữa Gen Y (1981-1996) và Gen Z (1997-2012) đã cho thấy sự khác biệt rất lớn |
So với thế hệ 8x và 9x, Gen Z là những người trẻ đa dạng, lớn lên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ. Họ dễ dàng tương tác với những người ở khắp nơi trên thế giới, chia sẻ ý tưởng, niềm tin và đam mê. Vì vậy, sự đa dạng là điều rất bình thường đối với họ, và họ khuyến khích, chào đón sự đa dạng trong các quan hệ và nghề nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân, giới trẻ ngày nay còn đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của mình. Họ không ngần ngại bóc trần những yếu kém, lỗi thời trong cách quản lý của những người đứng đầu và đưa ra các phương án vận hành công việc tốt hơn. Điều này không chỉ giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần cải thiện môi trường làm việc chung.
Một ví dụ tiêu biểu là phong trào yêu cầu minh bạch trong lương bổng và chế độ đãi ngộ. Giới trẻ ngày nay không ngần ngại yêu cầu các công ty phải công khai các mức lương và đảm bảo rằng không có sự chênh lệch quá lớn giữa các nhân viên. Điều này đã tạo ra một áp lực lớn đối với các công ty, buộc họ phải xem xét lại cách thức trả lương và tạo ra một môi trường làm việc công bằng hơn.
Gen Z đi làm có hơi "vô tri" nhưng rất năng động và nhiều sự tích cực, hài hước |
Gen Z có lợi thế tiếp thu nhanh và dễ thích nghi. Họ trang bị rất nhiều kỹ năng trước khi tham gia thị trường lao động. Giới trẻ ngày nay không xem công việc là tất cả mà là một phần của cuộc sống, và họ mong muốn tìm được sự hài hòa giữa đam mê nghề nghiệp và thời gian dành cho bản thân, gia đình và sở thích cá nhân.
Các bạn trẻ mong muốn làm việc trong một môi trường win-win, nơi mà sự phát triển của nhân viên và doanh nghiệp đều được coi trọng. Họ không ngại thể hiện bản thân ngay tại nơi làm việc. Một khảo sát từ Adobe cho thấy gần 3/4 Gen Z khi được khảo sát nói rằng họ hoàn toàn thoải mái trong việc “nhận xét” lại cấp trên, 90% người trả lời cho rằng họ thoải mái với việc nhận xét đồng nghiệp, và 90% cho biết họ thoải mái khi thảo luận về mức độ hài lòng hoặc không hài lòng của mình tại chỗ làm.
Thị trường lao động hiện nay đang dần thay đổi khái niệm làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều. Gen Z luôn sẵn lòng làm việc từ 6h tối đến khuya và thậm chí nhận nhiều công việc cùng một lúc, miễn là phù hợp với lối sống cá nhân của họ. Họ không ưa những công việc gò bó, mang tính quy định cao. Thay vào đó, họ sẵn lòng làm thêm giờ nếu công việc mang lại niềm vui và quan trọng là được trả công xứng đáng.
Cần sự thấu hiểu của các thế hệ đi trước
Gen Z đánh giá cao một môi trường làm việc thú vị và phát triển năng lực. Tuy nhiên, việc "nhảy việc" của Gen Z thường phụ thuộc vào chính sách và môi trường làm việc của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cung cấp chế độ đãi ngộ kém và mức lương không hấp dẫn, nhưng lại kỳ vọng nhân viên trẻ phải cống hiến hết mình. Điều này gây khó khăn trong việc giữ chân nhân viên Gen Z.
Kéo gần khoảng cách thế hệ tại công sở, nơi làm việc để những thế hệ đi trước thêm hiểu và có định hướng công việc cho các Gen Z thực hiện một cách hiệu quả, tích cực hơn |
Là thế hệ có thừa cá tính, sự bứt phá, sáng tạo nên giới trẻ ngày nay cũng không ngại phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống. Điều này thể hiện sự tự tin và năng lực, nhưng đôi khi cũng bị nhìn nhận là sự nổi loạn khi đi kèm với sự nông nổi, thiếu kinh nghiệm, thích gì làm đó và không thích gò bó.
Nhược điểm lớn nhất của Gen Z là “cả thèm chóng chán”, cái tôi cao trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Điều này dẫn đến văn hóa “thích thì nghỉ”, “đi làm không vì tiền nhưng ít tiền chưa chắc đã làm”, khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu trong việc tuyển dụng và thay đổi chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân viên.
Thống kê cho thấy, vào năm 2025, Gen Z sẽ chiếm 25% lực lượng lao động trong nền kinh tế. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải thay đổi thói quen tuyển dụng, cung cấp môi trường làm việc linh hoạt và chính sách phúc lợi hấp dẫn nếu muốn thu hút và giữ chân nhân viên Gen Z trong thời gian dài.
Hãy nhìn vào những thành tựu mà giới trẻ đạt được. Từ những công ty khởi nghiệp triệu đô cho đến những chiến dịch xã hội lan tỏa rộng rãi, tất cả đều là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần không cam chịu. Thế hệ trẻ đang chứng minh rằng, đôi khi, việc dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử thách và dám thất bại mới chính là chìa khóa để đạt được thành công thực sự.
Gen Z cũng thật sự muốn theo đuổi ước mơ và củng cố con đường sự nghiệp ngày càng vững chắc |
Vậy nên, thay vì phán xét, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận lại và hiểu rằng, mỗi thế hệ đều có những giá trị và cách tiếp cận riêng biệt. Những gì thế hệ trước đã làm là nền tảng quý báu, nhưng điều đó không có nghĩa là giới trẻ phải đi theo con đường cũ. Thế hệ trẻ đang chứng minh rằng, đôi khi, việc dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử thách và dám thất bại mới chính là chìa khóa để đạt được thành công thực sự.