Một Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC xin thôi chức
Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) vừa ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận đề nghị xin thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của ông Đào Nam Phong kể từ ngày 21/5/2019.
Được biết, ông Đào Nam Phong SN 1975. Trước khi làm việc cho Tập đoàn FLC, ông Phong từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Giám đốc Thương mại tại Công ty CP rượu Hà Nội, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty M-Trading (Tập đoàn đầu tư VID), Phó Giám đốc Tập đoàn Prime....
Ông Đào Nam Phong. |
Trước khi rời khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc, ông Phong được giao trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn gồm: Công ty Cổ phần Nước giải khát FLC; Công ty TNHH FLC Quảng Bình Beach & Golf Resort; Công ty Cổ phần FLC Quy Nhơn Golf & Resort; Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort.
Ngoài ra, ông Phong còn được giao thay mặt Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn quản lý và phụ trách các hoạt động điều hành, vận hành, sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn tại khu vực miền Trung, miền Nam; Quản lý hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh nước uống tinh khiết, bia và nước giải khát,…
Như vậy, sau khi ông Đào Nam Phong không còn làm Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn FLC sẽ còn lại 10 Phó Tổng giám đốc và 2 trợ lý Hội đồng quản trị hàm Phó Tổng giám đốc.
Tập đoàn FLC mới đây cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 cho thấy tình hình kinh doanh có dấu hiệu đi xuống. Theo đó, doanh thu thuần quý 1/2019 của FLC đạt hơn 2.979 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng quý năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 2.895 tỷ đồng, tăng 46% khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 84,34 tỷ đồng.
Đáng nói, trong quý 1/2019, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC cũng tăng mạnh lên mức lần lượt là 112 tỷ đồng; 96,6 tỷ đồng và 156,6 tỷ đồng.
Kết quả, quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FLC lao dốc mạnh từ 99,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 8,1 tỷ đồng. Theo giải trình của FLC, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và do lợi nhuận gộp về bán hàng cung cấp dịch vụ giảm.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, trong các mảng kinh doanh của Tập đoàn FLC, mảng bán hàng hóa mang về tổng doanh thu 1.403 tỷ đồng, chiếm 46,5%; mảng kinh doanh bất động sản mang về cho FLC 971 tỷ đồng doanh thu và 254 tỷ đồng lợi nhuận gộp; tuy nhiên mảng cung cấp dịch vụ lại lỗ 176 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2019, tổng tài sản của FLC đạt 26.527 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 640 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 13.728 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn là 9.838 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn là 3.593 tỷ đồng, hàng tồn kho là 1.453 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn FLC ghi nhận khoản nợ phải trả là 17.503 tỷ đồng, tăng hơn 630 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 14.040 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.463 tỷ đồng; trong khi đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ 9.023 tỷ đồng. Như vậy, khoản nợ phải trả của FLC đã gần gấp đối vốn chủ sở hữu.