“Máy lấy tơ sen” đầu tiên tại Việt Nam của nhóm sinh viên Hà Nội
Sáng chế “Máy lấy tơ sen” đầu tiên tại Việt Nam của nhóm sinh viên Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú (trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Lương Đức Trung (trường Đại học Ngoại thương) vừa giành giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa” năm 2019.
Chia sẻ về ý tưởng tạo ra chiếc máy độc đáo này, sinh viên Ngô Trần Minh Đức cho biết: “Chúng mình nhận thấy, hiện nay trên cả nước có khoảng 3.000 hecta trồng sen nhưng thân sen đang bị bỏ đi một cách lãng phí. Trong khi đó, trên thị trường tơ lụa xuất hiện loại lụa làm từ tơ sen. Tơ sen mềm mịn không thua kém tơ tằm, thậm chí mang lại giá trị độc đáo khác”.
![]() |
Tuy nhiên, thông qua những nghệ nhân làm lụa từ tơ sen, Minh Đức cũng biết được rằng, để làm ra một sản phẩm, người nghệ nhân tốn thời gian từ 1 - 2 tháng lao động bằng tay. Trên thị trường không có loại máy nào tự động hóa quá trình lấy tơ. “Một chiếc khăn dài 1m7, rộng 25cm thì cần đến 4.800 cuống sen. Trong khi một người thợ lành nghề chỉ làm được từ 200-250 cuống mỗi ngày. Như vậy để sản xuất ra một lượng tơ đủ để dệt chiếc khăn phải mất đến hơn 1 tháng. Do làm thủ công nên trên thị trường giá bán của một sản phẩm từ tơ sen rất cao, lên đến 4-5 triệu đồng/sản phẩm. Việc sản xuất tơ sen vẫn chỉ dừng lại ở mức thủ công, quy mô nhỏ và chưa được tự động hóa”, Đức chia sẻ.
Cùng với những người bạn đam mê nghiên cứu khoa học, Đức đã quyết định nghiên cứu làm máy lấy tơ sen với hy vọng giảm giá thành, tăng năng suất, đặc biệt mang sản phẩm từ sen đến gần hơn với người tiêu dùng.
Là một thành viên tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu, Cao Anh Tú (sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng dự án rất tiềm năng và khả năng cạnh tranh cao khi đây là chiếc máy đầu tiên trên cả nước lấy tơ sen.
Tú nói: “Máy có tính tự động hóa cao khi tính toán cho phép tích hợp rất nhiều các mô đun tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Về nguyên lý hoạt động, máy lấy tơ sen có 3 cụm chính. Cụm thứ nhất giúp kẹp thân sen và quay, đồng thời lưỡi dao đi vào tạo vết cắt trên thân sen. Cụm thứ hai tay kẹp sẽ kẹp một đầu của thân sen để kéo xoắn nhằm lấy những sợi tơ ban đầu. Và cụm thứ ba sẽ làm công việc miết để nối các sợi tơ với nhau thành một sợi tơ hoàn chỉnh”.
Các nguyên lý miết tơ được các bạn sinh viên mô phỏng lại quá trình thực hiện của các nghệ nhân, gồm có: Bàn miết dưới và miết trên, mô phỏng cho bàn miết tay người. Vật liệu được dán trên bề mặt bàn miết để tăng ma sát cũng được mô phỏng vân tay người và vẫn đảm bảo độ mềm mại.
“Hiện tại, chúng mình đã miết thành công sợi tơ sen. Tuy nhiên, do nguyên liệu đầu vào chưa đúng như thiết kế máy với thân sen mẫu nên tỷ lệ miết chưa cao. Song trong tương lai, chúng mình có thể điều chỉnh để đạt được tỷ lệ cao hơn”, Tú chia sẻ.
Để “ra đời” được sản phẩm máy lấy tơ sen, nhóm sinh viên đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nghiên cứu này là một sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có sản phẩm nào có chức năng tương tự trên thị trường. Vì vậy, việc tối ưu hóa các cơ cấu để dựng lên máy vô cùng khó. Thành viên Lương Đức Trung (sinh viên Đại học Ngoại thương) chia sẻ: “Chúng mình đã phải tối ưu hóa các cơ cấu, tự dựng nên máy dựa trên cơ sở mô phỏng lại các cơ cấu thực hiện của tay người và quá trình làm ra tơ sen. Bên cạnh đó, nhóm phải thực nghiệm tất cả các thông số động học để tìm hướng tối ưu nhất”, Trung nói.
Nguyễn Văn Thắng (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) – thành viên của nhóm tự tin: “Theo các thông số mà chúng mình đã tính toán với tốc độ chạy của máy thì hiệu suất có thể gấp 5-7 lần làm thủ công, do đó có thể rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm lụa chỉ còn mất khoảng hơn 1 tuần”.
Không bằng lòng với sản phẩm, nhóm bạn trẻ cho biết thời gian tới, nhóm hướng đến việc tiếp tục nghiên cứu để cải thiện máy có thể nhận chất liệu đầu vào là những thân sen có những kích thước, độ ma sát, độ ẩm khác nhau nhằm tăng tỷ lệ thành công trong việc cắt thân, lấy tơ.
“Chúng mình sẽ thử nghiệm và tính toán thêm xem tốc độ máy chạy như thế nào thì cho tơ sen ra nhiều nhất và không còn bị đứt. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên đều tự tin với chiếc máy tự động hóa đầu tiên trên thị trường chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường khi tạo ra những sản phẩm chất lượng không hề thua kém so với làm thủ công”, Thắng bày tỏ.