Mất đa dạng sinh học gây nguy hiểm cho sức khỏe con người như thế nào?
Thế giới tự nhiên đã giúp con người điều trị các vấn đề sức khỏe trong hàng thiên niên kỷ qua và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc trị bệnh mới (Ảnh: DW) |
Màu đỏ tươi, vàng và xanh lam trên da của những con ếch phi tiêu (tên 1 loại ếch cực độc) đưa ra lời cảnh báo rõ ràng cho những kẻ săn mồi tò mò: “Hãy ăn thịt tôi và bạn sẽ hối hận”.
Đây là loài lưỡng cư độc hại. Nếu chẳng may ăn phải chúng, hóa chất trên da của chúng có thể gây co giật, co cơ và thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, những màu sắc này có nghĩa là một cái gì đó hy vọng hơn. Những hóa chất độc hại từ các loại động thực vật tự nhiên có thể cung cấp chìa khóa cho các loại thuốc điều trị nhiễm trùng hiện có khả năng kháng thuốc kháng sinh mà con người đã phát triển.
Chẳng hạn như Paclitaxel, một loại thuốc dùng để điều trị ung thư có nguồn gốc từ vỏ cây thủy tùng ở vùng Thái Bình Dương hay ziconotide, một loại thuốc dùng để điều trị cơn đau dữ dội, có nguồn gốc từ con ốc Nón.
Theo Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), khoảng 70% thuốc điều trị ung thư có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Phá rừng góp phần làm mất đa dạng sinh học (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tìm kiếm nguồn dược phẩm mới đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đa dạng sinh học đang biến mất ở mức đáng báo động. Gần 1/3 trong tổng số 150.000 loài được liệt vào sách đỏ cần bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.
E.J. Milner-Gulland, Giáo sư chuyên về đa dạng sinh học tại Đại học Oxford ở Anh cho biết: “Hai điều đe dọa tình trạng mất đa dạng sinh học nhiều nhất vào lúc này là khai thác quá mức và chuyển đổi sử dụng đất đai. Đa dạng sinh học là kết cấu duy trì sự sống của chúng ta trên hành tinh và nếu trái đất không còn thiên nhiên hoang dã, con người rất khó để sống”.
Kể từ năm 1990, khoảng 420 triệu ha rừng (diện tích gần bằng diện tích của Liên minh Châu Âu) đã bị mất (bị biến thành đất nông nghiệp hoặc bị chặt phá cho các mục đích sử dụng khác). Trong khi đó, trữ lượng cá cũng đang giảm dần, với số liệu từ năm 2017 ước tính rằng chúng ta đã đánh bắt quá mức một phần ba trữ lượng toàn cầu.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng đang có tác động đến tình trạng mất đa dạng sinh học. Nồng độ carbon dioxide ngày càng tăng đang dẫn đến tăng axit hóa đại dương, tẩy trắng san hô và phá hủy môi trường sống rộng lớn. Nhiệt độ tăng và thu hoạch không bền vững cũng đang đẩy một số loài thực vật đến bờ vực tuyệt chủng.
Khoảng 70 loại thuốc điều trị ung thư chỉ dựa trên những loại động, thực vật có trong tự nhiên (Ảnh: Xinhua) |
Theo một báo cáo được công bố bởi Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (nơi có một trong những bộ sưu tập thực vật đa dạng nhất trên thế giới) ở London (Anh), khoảng 40% các loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong số các loài thực vật bị đe dọa có 723 loài được sử dụng làm thuốc. Cây thủy tùng Thái Bình Dương - nguồn gốc của paclitaxel, loại thuốc hóa trị, hiện được phân loại là gần bị đe dọa trong Sách đỏ IUCN.
Ngoài việc khám phá ra thuốc, chúng ta còn dựa vào cây cối để loại bỏ các chất ô nhiễm, chẳng hạn như carbon dioxide ra khỏi không khí. Con người cũng cần những vùng đất ngập nước hoạt động để giữ nước sạch và cần côn trùng thụ phấn cho cây trồng để cung cấp thức ăn cho chúng ta. Đó chỉ là một vài ví dụ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nơi nào có nhiều cây xanh hơn, chất lượng không khí tại đó trong lành hơn. Do đó, các Chính phủ cam kết giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học bằng cách bảo vệ 30% diện tích mặt đất và đại dương trước năm 2030. Những cam kết này không chỉ để bảo vệ Trái đất mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe của con người.
Cassandra Quave, một nhà thực vật học y tế tại Đại học Emory (Mỹ) chia sẻ: “Nếu có bất cứ điều gì mà tôi học được, thì đó thực sự là sức khỏe con người và sức khỏe hành tinh có mối liên hệ phức tạp với nhau. Bạn không thể có cái này mà không có cái kia”…