Ly kỳ vụ án mẹ già không biết mình bán “tài sản đã di chúc” cho người lạ ở Tiền Giang
Tài sản di chúc cho con bất ngờ bán cho người lạ
Trao đổi với phóng viên, các con của cụ Lý là Trần Thị Mai Hoa, Trần Thị Hồng Mai, Trần Minh Hoàng cho biết, gia đình có tất cả 5 chị em, trong đó Trần Thanh Thúy lấy chồng định cư và có quốc tịch Mỹ. Còn con trai út là Trần Minh Dũng.
Cụ Lý và các con (ông Hoàng, bà Hoa) khi tiếp phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô ngày 23/6 |
Năm 1993, bà Thúy có gửi tiền về nhờ gia đình mua hộ nhà, đất và đứng tên giùm với nguyện vọng sau này về già sẽ trở về quê hương sinh sống. Theo luật pháp Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài không được sở hữu nhà, đất nên gia đình thống nhất để bà Hoa và ông Hoàng thay mặt thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng nhà, đất tại địa chỉ 890A Lý Thường Kiệt, Phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (với tổng diện tích hơn 630m2). Việc mua nhà đất có lập hợp đồng chuyển nhượng đứng tên ông Hoàng và có xác nhận của Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho thời điểm năm 1993.
Sau đó gia đình cũng thống nhất để ông Hoàng đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), còn bà Hoa (không chồng con) thì ở nhà này trông nom, giữ gìn nhà cửa. Trong khi đó, cụ Lý vẫn ở căn nhà của mình trước đây tạo lập ở địa chỉ 173 Lê Đại Hành, TP Mỹ Tho.
Năm 2003, vợ chồng ông Hoàng lục đục có nguy cơ dẫn tới ly hôn, từ đó sẽ ảnh hưởng tới khối tài sản 890A Lý Thường Kiệt (Phường 5, TP Mỹ Tho). Một lần nữa, gia đình đồng ý thay đổi người đứng tên trên GCNQSDĐ từ ông Hoàng sang mẹ là cụ Lý.
Ngày 29/9/2003, UBND tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng nhà ở và Quyền sử dụng đất số 13707 cho cụ Lý đứng tên.
Theo đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô, cụ Lý cùng các con (trừ ông Trần Minh Dũng), khẳng định việc đứng tên trên chỉ là hợp thức về mặt giấy tờ còn bản chất tài sản thuộc về Trần Thanh Thúy (quốc tịch Mỹ, người bỏ tiền mua).
Ngày 9/6/2016, cụ Lý lập di chúc có nội dung sau khi qua đời sẽ giao lại toàn bộ nhà đất tại số 890A Lý Thường Kiệt cho bà Thúy. Di chúc được Phòng Công chứng số 1 thành phố Mỹ Tho chứng nhận. Sau khi di chúc được lập xong, cụ Lý giao lại bản gốc di chúc và bản gốc GCNQSDĐ số 13707 cho bà Thúy mang về Mỹ cất giữ.
Nhà đất tại địa chỉ 890A Lý Thường Kiệt, Phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang |
Biến cố dồn dập khi năm 2017, cụ Lý được con trai út Trần Minh Dũng đón về nhà ở cùng. Theo các con còn lại của cụ Lý cho biết: “Thời gian này, cụ Lý tuổi cao sức yếu, trí nhớ bắt đầu giảm sút, lúc nhớ lúc quên nên Dũng không cho ra ngoài, không cho các anh chị thăm gặp và tiếp xúc với mẹ…”.
Bất ngờ năm 2018, không biết vì sao cụ Lý lại ủy quyền cho ông Trần Thanh Phước (địa chỉ ghi người địa phương) khởi kiện con gái mình là bà Hoa ra Tòa án để đòi lại GCNQSDĐ. Lý do khởi kiện cho rằng bà Hoa đang chiếm giữ GCNQSDĐ số 13707 của cụ Lý. TAND TP Mỹ Tho và TAND tỉnh Tiền Giang sau đó tuyên cụ Lý (ông Phước đại diện ủy quyền) thắng kiện, buộc bà Hoa phải trả lại GCNQSDĐ cho mẹ là cụ Lý.
Ngày 14/6/2019, cụ Lý được cấp lại GCNQSDĐ số CS10906 đối với nhà, đất tại 890A Lý Thường Kiệt. 11 ngày sau đó (25/6/2019), cụ Lý lại ký vào hợp đồng bán tài sản nhà đất 890A Lý Thường Kiệt trên cho ông Trần Tấn Đạt (ông Đạt là em ông Trần Thanh Phước, địa chỉ ghi ngụ Phường 7, TP Mỹ Tho) với giá 14,5 tỷ đồng.
Ngay sau khi đăng ký biến động chủ sử dụng đất 890A Lý Thường Kiệt không lâu, ông Đạt đã khởi kiện cụ Lý và bà Hoa ra Tòa án để đòi bàn giao nhà, đất. Tòa án hai cấp của tỉnh Tiền Giang sau đó đều tuyên ông Đạt thắng kiện, buộc mẹ con cụ Lý phải bàn giao nhà đất trên.
Hợp đồng mua bán tài sản nhà đất số 890A Lý Thường Kiệt do ông Nguyễn Minh Hoàng (con trai cụ Lý) thực hiện với chủ đất cũ năm 1993 |
Trao đổi với phóng viên, các con cụ Lý (trừ ông Dũng) đều bất ngờ trước những diễn biến bất thường của sự việc. Đặc biệt là việc mẹ mình đồng ý bán nhà đất 890A Lý Thường Kiệt mà không bàn bạc gì với các con còn lại, đặc biệt là bà Hoa - người đã ở tại đây mấy chục năm qua và bà Thúy là người bỏ tiền ra mua nhà đất và được di chúc để lại.
Theo trình bày của các con cụ Lý thì họ nhiều lần đến nhà ông Dũng để gặp mẹ nhằm hỏi cho ra lẽ mọi việc nhưng đều bị ngăn chặn không cho tiếp xúc. Họ nghi ngờ cụ Lý tuổi cao sức yếu, không làm chủ được nhận thức và hành vi nên đã bị lợi dụng thực hiện các thủ tục ủy quyền và bán nhà, đất nói trên.
Trong khi đó, về phía bà Thúy cho biết, bà rất ngạc nhiên bởi mình là người bỏ tiền ra cho anh chị mua nhà đất giúp, đang nắm giữ giấy tờ gốc (GCNQSDĐ và bản di chúc), tuy nhiên lại không được Tòa án các cấp tỉnh Tiền Giang mời tham gia tố tụng. (?!)
Cụ Lý lên tiếng phủ nhận việc mua bán nhà đất
Ngày 16/5/2021, cụ Lý rời khỏi nhà của con trai út là ông Trần Minh Dũng sau 4 năm ở lại đây. Cụ về gặp được các con còn lại là bà Hoa, bà Mai và ông Hoàng. Theo lời kể của bà Hoa thì: “Mẹ tôi về tới nhà (890A Lý Thường Kiệt - PV) trong tình trạng hoảng loạn, mặc quần áo ở nhà, đầu tóc bơ phờ, chân không đi dép. Chúng tôi hỏi vì sao không ở nhà với Dũng nữa thì bà không nói. Hơn 4 năm rồi chúng tôi mới được gặp lại mẹ…”.
Văn bản đồng ý hồ sơ hợp lệ của Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho (Tiền Giang) năm 1993 với hợp đồng mua bán trên |
Nhận thấy tình hình sức khỏe và trí nhớ của cụ Lý không tốt nên mọi người đưa lên TP HCM điều trị và chăm sóc.
Nhận được đơn kêu cứu, ngày 23/6, phóng viên đã có mặt tại địa chỉ cụ Lý đang được chăm sóc. Theo ghi nhận, khi biết chúng tôi là phóng viên báo chí, cụ Lý luôn khẳng định không quen biết ông Phước và ông Đạt; Không hiểu bằng cách nào lại ủy quyền cho ông Phước kiện con gái mình ra tòa. Cụ cũng cho biết, mình không nhớ gì về việc đã ký hợp đồng mua bán tài sản nhà đất số 890A Lý Thường Kiệt, không giữ một đồng nào số tiền bán nhà, đất (trị giá 14,5 tỷ đồng), không biết tiền ở đâu, ai giữ…
Hiện cụ Lý cũng đã làm đơn gửi các cơ quan như Tòa án Nhân đân (TAND) Cấp cao và Viện Kiểm soát Nhân dân Cấp cao tại TP HCM đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm đối với các bản án trước đó của TAND TP Mỹ Tho, TAND tỉnh Tiền Giang và đang được xem xét giải quyết.
Luật sư chỉ ra những điểm “mờ” trong vụ án
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật TNHH Dragon - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Vụ việc có nhiều điểm không phù hợp với những phán quyết của 2 cấp Tòa án tỉnh Tiền Giang. Thứ nhất, Tòa không xem xét đến việc bà Thúy đang là người thực tế nắm giữ bản gốc của di chúc và GCNQSDĐ (không phải bà Hoa). Nếu không đưa bà Thúy vào tham gia tố tụng là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thúy - thành viên trong gia đình. Hai cấp Tòa có dấu hiệu vi phạm tố tụng vì xác định sai tư cách tham gia phiên tòa.
Thứ 2, trong bản án phúc thẩm ngày 23/3/2021, Tòa nhận định “Di chúc được công chứng tại Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang, đến ngày 7/7/2018 bà Lý đã có văn bản hủy di chúc ngày 9/6/2016 số công chứng 370, quyển số 10TP/CC-SCC-HĐGD và đã tiến hành thông báo cho Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tiền Giang biết theo quy định”.
Di chúc của cụ Lý để lại tài sản nhà đất tại 890A Lý Thường Kiệt cho người con Trần Thanh Thúy (quốc tịch Mỹ) và văn bản của Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp Tiền Giang) khẳng định từ khi lập di chúc 2016 tới nay cụ Lý chưa hề liên lạc để hủy hay thay đổi nội dung |
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời bà Trần Thị Mai Hoa ngày 19/4/2021, Phòng Công chứng số 1 lại khẳng định: “Di chúc đã được chứng nhận vào sổ công chứng số 3970, quyển số 10TP/CC-SCC/DC ngày 9/6/2016 và từ đó đến nay bà Nguyễn Thị Lý không có liên hệ Phòng Công chứng số 1 lập thủ tục xin hủy bỏ Di chúc nêu trên”.
Thứ 3, việc bà Thúy gửi tiền về nhờ mua nhà đất, sau đó gia đình thống nhất cho ông Hoàng tiến hành các thủ tục với chủ đất cũ là có thật, có nhiều nhân chứng đã chứng minh, xác nhận; Sau đó ông Hoàng được gia đình đồng ý cho đứng tên trên GCNQSDĐ. Nhưng Tòa án cả 2 cấp đều không xem xét làm rõ những tình tiết này.
Thứ 4, việc cụ Lý trước đó ở 1 căn nhà khác (địa chỉ 173 Lê Đại Hành), không phải nhà 890A Lý Thường Kiệt, sau này bà Hoa đón cụ về ở chung để tiện chăm sóc. Do đó, nếu nhà đất 890A Lý Thường Kiệt là tài sản của cụ Lý tạo lập thì cần làm rõ cụ mua của ai, năm nào, có nhân chứng không? Nếu tài sản của cụ Lý thì vì sao cụ không đứng tên từ đầu mà để ông Hoàng đứng tên? Trong khi đó, ngược lại có việc ông Hoàng và bà Hoa nhận tiền mua đất giúp bà Thúy và ông Hoàng đứng tên GCNQSDĐ thì có rất nhiều nhân chứng xác nhận và có giấy tờ chứng minh, ngay cả người bán đất.
Liên quan vụ việc, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Dũng - người con trai út của cụ Lý được nêu trong đơn tố cáo. Tuy nhiên, ông Dũng đã từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc mua bán nhà đất ở địa chỉ 890A Lý Thường Kiệt với lý do “thời gian trôi qua đã lâu rồi và Tòa án cũng đã tuyên án về vụ việc”.