Lý do tạm dừng tước giấy phép kinh doanh xăng dầu của Saigon Petro và 4 công ty
Thanh tra Bộ Công thương vừa có văn bản thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối phía Nam.
Theo chỉ đạo từ Bộ Công thương, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là tại TP HCM và một số địa phương và dựa trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của một số thương nhân đầu mối thuộc diện bị tước giấy phép và một số địa phương, Thanh tra Bộ Công thương đã thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Việc tạm dừng rút giấy phép với các đầu mối được Thanh tra Bộ Công thương và Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả công tác kiểm tra với Bộ Công thương để xem xét, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý. Các doanh nghiệp đầu mối nói trên vẫn phải thực hiện nghiêm túc hình thức phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
Trước đó, Thanh tra Bộ Công thương đã có văn bản gửi tới 5 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương, yêu cầu thi hành biện pháp xử phạt, bàn giao giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan thanh tra.
Các hành vi vi phạm của các thương nhân đầu mối gồm: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; Không hợp đồng đại lý xăng dầu/thương nhân nhượng quyền với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định; Thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân; Duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định...
Saigon Petro và 4 công ty bị tước giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu |
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/2/2022, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT để thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
"Đây cũng là hành động của Bộ Công thương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống thương nhân, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu", ông Hải nói.
Qua kết quả các cuộc điều tra, biên bản vi phạm hành chính và giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Tổng số tiền phạt là hơn 13,3 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, khi 5 doanh nghiệp này đã bị tước quyền, theo Điều 9 Nghị định 83, họ không còn 19 quyền hạn trong kinh doanh xăng dầu, bao gồm không chỉ việc không được xuất nhập khẩu xăng dầu mà cũng không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác.
Vì vậy việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa). Do đó, việc này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
Sáng 6/9, Bộ Công thương đã có báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 và chiều cùng ngày, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã họp để xử lý vấn đề này theo hướng trước hết phạt hành chính kịch khung theo đúng các biên bản, còn việc tước giấy phép trong thời hạn vẫn sẽ được áp dụng nhưng lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc xử lý cần căn cứ trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, dù là thương nhân đầu mối hay các công ty con trực thuộc.
Thứ hai, cũng cần lưu ý đến những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua. Thứ ba, quan trọng nhất là vẫn cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khoảng 100 triệu người dân cả nước.
Trên cơ sở 3 nguyên tắc trên, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho việc xử lý vấn đề này.