Lực lượng công an nhân dân: “Điểm tựa” bình yên của lòng dân

Khi cả nước căng mình chống dịch, những chiến sĩ công an không quản ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà để kiểm soát an ninh trật tự, góp phần hiệu quả vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công an bóc gỡ đường dây làm giả giấy tờ các loại, khám xét 3 đối tượng Hải Dương: 202 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 Một viên chức của Bộ TN&MT và 6 người khác bị khởi tố về tội làm giả giấy tờ

Bao nhiêu ngày mưa lũ là bấy nhiêu ngày các chiến sĩ không về đơn vị, không về nhà, cắm chốt ở các điểm lũ để làm nhiệm vụ…

Ở nơi nào dân cần công an có. Ở nơi nào dân gặp khó có công an.

Lá chắn thép vững chắc

Trên báo chí truyền thông và mạng xã hội vẫn còn lưu giữ những hình ảnh đẹp về các chiến sĩ công an vì dân phục vụ trong đại dịch Covid-19 với vô số lời khen ngợi.

Hình ảnh xúc động được nhà báo Hoài Thu tình cờ ghi lại được trong lúc đang tác nghiệp bên ngoài khách sạn Vanda (Hải Châu, Đà Nẵng)
Hình ảnh xúc động được nhà báo Hoài Thu tình cờ ghi lại được trong lúc đang tác nghiệp bên ngoài khách sạn Vanda (Hải Châu, Đà Nẵng)

Đó là hình ảnh các chiến sĩ Thủ đô trắng đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát các trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người nhiễm Covid-19. Khi thành phố đã ngủ yên, họ vẫn tiếp tục canh gác, quyết tâm đánh chặn Covid-19 từ cửa ngõ Hà Nội. Khi khẩu trang cháy hàng, sốt giá, những người chiến sĩ ấy lại góp sức chung tay, tặng vật phẩm tuy nhỏ mà ý nghĩa cho người dân. Ở những điểm “nóng” như Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi… lúc nào người dân cũng thấy các chiến sĩ áo xanh làm nhiệm vụ.

Hình ảnh “người vận chuyển” mặc sắc phục luôn tận tình với người dân trong khu bị cách ly gây ấn tượng mạnh với người dân. Từ phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) đến khách sạn Vanda (quận Hải Châu, Đà Nẵng)… hay bất cứ điểm cách ly nào khác, các chiến sĩ sẵn sàng mua đồ, đưa cơm, vận chuyển tới nơi và giao cho các "bệnh nhân" - những người đang được cách ly y tế.

Nói về những ngày tháng “chống dịch như chống giặc”, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, không có khái niệm ngày hay đêm, sớm hay muộn, cứ có lệnh là các chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ.

“Ví dụ, thông tin chuyến bay TK0162 đến Việt Nam đêm 16/3 có hành khách dương tính với Covid-19, ngay lập tức trong đêm cán bộ chiến sĩ đã tổ chức rà soát liên tục trên khắp địa bàn. Đến 2 giờ sáng thì phát hiện tại 33 Hàng Đồng có người khách quốc tịch New Zealand đi cùng chuyến bay. Sau đó, ngay lập tức Ban Chỉ đạo cho cách ly người này; Đồng thời tổ chức phun khử khuẩn nơi đây”, đồng chí Bùi Văn Đang chia sẻ.

Công an TP Hà Nội tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Công an TP Hà Nội tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Những đêm thiếu ngủ, hộp cơm ăn vội chỉ là một phần hình ảnh của những chiến sĩ công an khi thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo những trường hợp cách ly không ra khỏi nhà và nơi cưu trú, cán bộ chiến sĩ và các lực lượng chức năng duy trì nghiêm chế độ trực, giám sát theo quy định. Ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chốt ở vị trí có người cách ly, ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương còn giám sát qua phương pháp gọi video trực tiếp để kiểm tra việc chấp hành quy định cách ly y tế đối với những trường hợp này.

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc, tuyên truyền, vận động người nước ngoài hợp tác trong phòng, chống dịch Covid-19 gặp không ít khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Có những lúc, công an phường phải liên hệ với Cục Lãnh sự ngoại giao, Bộ Ngoại giao đề nghị đại diện Đại sứ quán nối máy thuyết phục công dân nước ngoài chấp nhận đeo khẩu trang và cách ly.

Trong năm 2020, cùng một lúc, lực lượng Công an Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung phải đảm nhận hai nhiệm vụ hết sức nặng nề: Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống dịch Covid-19. Những chiến sĩ công an đã làm tốt cả hai nhiệm vụ đó.

Ngày phố Trúc Bạch được dỡ bỏ cách ly, người dân đã ôm nhau nhảy múa và không quên cảm ơn những chiến binh áo trắng và chiến sĩ áo xanh đã chăm lo bảo vệ cuộc sống cho họ. "Cảm ơn Đảng và chính quyền đã chăm lo cho chúng tôi chu đáo. Cảm ơn những chiến sĩ công an, các chiến binh áo trắng đã bảo vệ sự an toàn cho chúng tôi. Cảm ơn sự hỗ trợ, sẻ chia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các nhà tài trợ, hảo tâm. Cảm ơn người thân, bạn bè và cộng đồng đã đồng hành, chia sẻ”, đó là đoạn tin nhắn của người dân gửi tới các chiến sĩ.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76 ngày 7/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu lực lượng công an tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm phòng dịch tốt hơn chống dịch; Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tại các khu vực xuất hiện dịch bệnh; Xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Thủ tướng cũng lưu ý, lực lượng Công an Nhân dân (CAND) và các Bộ, ban, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bởi diễn biến còn phức tạp trên thế giới.

Điểm tựa trong bão lũ

Trong lá thư gửi lực lượng CAND, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Trong đó, Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân là một tấm gương điển hình”.

Giữa cơn lũ dữ kéo dài làm ngập lụt hàng trăm ngàn nóc nhà ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… người ta lại thấy các chiến sĩ áo xanh xông vào điểm nóng giúp dân. Bao nhiêu ngày mưa lũ là bấy nhiêu ngày, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ không về nhà, cắm chốt ở các điểm lũ để làm nhiệm vụ. Bất kể ngày hay đêm, nhận được tiếng kêu gọi giúp đỡ từ người dân, các chiến sĩ lập tức có mặt, tận tụy, ân cần cõng người già, trẻ em, rồi lăn xả cứu hàng, gia cố nhà cửa, không nề hà gian khó.

Bức ảnh gây xúc động mạnh về tình quân dân trong bão lũ
Bức ảnh gây xúc động mạnh về tình quân dân trong bão lũ

Tấm ảnh chiến sĩ công an cởi quân phục ủ ấm cho một em bé 2 tuổi ở ngầm Khe Gát, nơi một chiếc ô tô khách bị lũ cuốn đã có hàng triệu lượt like và thả tim trên mạng xã hội cùng hàng nghìn bình luận. Cộng đồng xúc động mạnh trước một khoảnh khắc ấm áp tình quân dân trong mưa bão và gọi những chiến sĩ công an là những người hùng trong thời bình.

Đó chỉ là một khoảnh khắc trong rất nhiều khoảnh khắc. Tại thôn Ahu, xã A Tiêng (Đông Giang, Tây Giang, Quảng Nam), cán bộ, chiến sĩ công an huyện đã đu dây vượt sông đang chảy xiết tiếp cận người dân gặp nạn. Tại Thừa Thiên - Huế, lực lượng công an đã dùng ca nô vượt sông tiếp cận đưa người dân, cõng người già yếu, trẻ em qua vùng nước lũ đến nơi an toàn.

Đưa ca nô vào giải cứu dân vùng lũ, do sóng quá lớn con thuyền chở Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã suýt bị sóng đánh chìm. Mọi người phải dùng mũ đang đội để tát nước ra khỏi thuyền. Khi đến làng, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã phải bơi để níu thuyền vào nhà dân, tìm nơi cao nhất để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an ở các tỉnh miền Trung đã về cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương giúp Nhân dân vùng lũ sơ tán; Đồng thời hỗ trợ bà con đưa tài sản lên cao để tránh lũ. Công an các xã đã phát huy cao độ vai trò hình ảnh người CAND “Vì dân phục vụ”.

Trong bộn bề mưa lũ, các chiến sĩ công an luôn kịp thời có mặt, hỗ trợ người dân “hóa giải” các nguy cơ mất an toàn. Chính những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình trong mưa lũ ấy đã mang lại sự tin yêu và mến phục của người dân. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Lực lượng CAND không chỉ làm tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà còn là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Vinh Quang
Phiên bản di động