Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực: Tăng sức mạnh quản lý an ninh trật tự

Từ hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều thay đổi quan trọng trong công tác quản lý an ninh, trật tự tại Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh” Ngày mai 1/1/2025, 8 luật sẽ được thực thi “Đòn bẩy” hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ cao

Luật này quy định rõ ràng về các biện pháp bảo đảm an toàn xã hội và quyền xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự trên địa bàn Hà Nội.

Với các biện pháp này, Hà Nội hi vọng sẽ nâng cao hiệu quả trong việc duy trì trật tự an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thủ đô.

Điều chỉnh mức phạt cao hơn với hành vi vi phạm

Theo Luật Thủ đô 2024, tại Điều 33, các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội được quy định rõ, trong đó đặc biệt chú trọng đến quyền hạn của HĐND TP trong việc quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Điều này cho phép TP có thể áp dụng mức phạt cao hơn so với mức phạt chung của Chính phủ, nhưng không vượt quá mức phạt tối đa do pháp luật quy định đối với các hành vi vi phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Được biết, với việc Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các lực lượng chức năng để triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự một cách hiệu quả hơn. Theo đó, Công an TP và các đơn vị nghiệp vụ sẽ thực hiện giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, đặc biệt là trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, và các hành vi vi phạm an ninh công cộng...

Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là tăng cường khả năng xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Từ năm 2022 đến nay, Hà Nội đã xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm hành chính, trong đó chủ yếu liên quan đến các hành vi vi phạm an ninh, trật tự, như sử dụng pháo trái phép, tàng trữ vũ khí thô sơ và các hành vi gây rối trật tự công cộng. Sự ra đời của Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ là công cụ hiệu quả để giảm thiểu những hành vi này, bảo vệ trật tự an ninh cho Thủ đô.

Công an quận Cầu Giấy tuyên truyền kết hợp vận động, đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy
Công an quận Cầu Giấy tuyên truyền kết hợp vận động, đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy

Là một trong những điểm sáng về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an quận Cầu Giấy thời gian qua đã có cách làm sáng tạo "đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy". Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết: "Chúng tôi mong muốn biến hoạt động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong dân thành một hành động nhân văn, giảm thiểu nguy cơ từ vũ khí trong cộng đồng. Việc tặng bình chữa cháy không chỉ là phần thưởng khích lệ mà còn giúp nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân, đảm bảo an toàn cho chính gia đình và khu dân cư. Đây cũng là cách để tuyên truyền người dân nhận thức sâu hơn nội dung liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong Luật Thủ đô 2024 cũng như các Luật khác".

Công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng

Một điểm mới quan trọng trong Luật Thủ đô 2024 là quy định HĐND TP có quyền đưa ra mức phạt cao hơn mức phạt chung của Chính phủ, nhưng không vượt quá mức tối đa được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan đến vi phạm an ninh, trật tự.

Điều này nhằm tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh công cộng.

Có thể nói, quy định này là cơ sở để các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Việc này không chỉ giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc ổn định an ninh trật tự, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo báo cáo của Công an Hà Nội, từ 2022 đến nay, các đơn vị đã phát hiện và xử lý hơn 36.000 vụ vi phạm về an ninh, trật tự, với hơn 78 tỷ đồng tiền phạt. Trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến việc sử dụng pháo trái phép, vận chuyển vũ khí trái phép, gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng chức năng xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Từ 1/1/2025, các hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ có mức xử phạt cao hơn

Mặc dù các biện pháp xử lý hiện hành đã góp phần kiềm chế tình trạng vi phạm, nhưng những vụ việc liên quan đến an ninh công cộng vẫn xảy ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thảo Nguyên, cư dân khu vực đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Gần đây thấy báo đài đưa tin rất nhiều về việc thanh thiếu niên ngổ ngáo, điều khiển xe máy nẹt pô, mang theo dao, phớ đi gây rối trong đêm, trong đó khu vực đường Giải Phóng nhà chúng tôi. Vì thế, rất mong từ năm mới 2025, việc tăng mức phạt sẽ đủ sức răn đe các đối tượng này".

Để Luật Thủ đô 2024 thực sự đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị, các ban, sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang Hà Nội chính thức thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền trong quý I và quý II/2025 (bắt đầu từ hôm nay 1/1/2025). Chính ví thế, phải khẳng định rằng, trong nội dung đảm bảo an ninh trật tự được quy định trong Luật Thủ đô 2024, công tác tuyên truyền và quản lý hành chính về an ninh trật tự sẽ là yếu tố quyết định. Việc phổ biến các quy định mới sẽ giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc duy trì an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định này sẽ không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân. Mỗi công dân Thủ đô cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật Thủ đô 2024 sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc duy trì trật tự an ninh xã hội ở Hà Nội, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của thành phố.

Các biện pháp mạnh mẽ về xử lý vi phạm hành chính và việc cụ thể hóa quy định xử phạt sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tội phạm, mà còn nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, bảo đảm cuộc sống bình yên và an toàn cho tất cả cư dân Thủ đô.

Hoa Thành
Phiên bản di động