Lợi ích kép từ phương pháp học qua truyền hình
![]() |
Hiệu quả, và đúng thời điểm
Có con trai đang học lớp 12 trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội), chị Nguyễn Hằng Nga chia sẻ: “Dù hằng ngày có làm bài, ôn bài nhưng thực tế, thời gian tự học của các con rất ít so với thời gian xem tivi, điện thoại và làm việc khác. Ngay sau khi biết Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình, tôi đã nhắc con phải tham gia học đầy đủ. Đến nay là tròn 1 tuần cháu học trên truyền hình, bước đầu tôi thấy cháu phấn khởi, chăm chú theo dõi bài giảng nên cũng yên tâm hơn”.
Theo chia sẻ của em Nguyễn Minh Anh (học sinh trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), dù việc học qua truyền hình khiến học sinh không có tương tác trực tiếp với giáo viên nhưng không vì thế mà giảm hứng thú đối với môn học.
Minh anh cho biết: “Em thấy giáo viên dạy trên truyền hình đều là những thầy cô có kinh nghiệm. Bài học rất dễ hiểu. Ngay sau đó, chúng em cũng được tải bài tập về nhà để ôn luyện lại kiến thức nên việc học khá hiệu quả”.
Nhiều giáo viên tại Hà Nội chia sẻ, trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch, phần lớn các trường chọn cách để giáo viên giao bài tập cho học sinh qua email, Zalo, Facebook... sau đó học sinh hoàn thành bài và gửi lại. Tuy nhiên, cách làm này hiệu quả không cao. Thực tế đó khiến không chỉ phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng lo các em sẽ bị mai một kiến thức; gia đình không kiểm soát được thời gian con mình học trên internet vì các con dễ sa đà vào các trò chơi vô bổ.
Cô Nguyễn Thị Hiền (giáo viên dạy THPT ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, phương pháp học qua truyền hình giúp học sinh vừa củng cố kiến thức cũ, vừa cập nhật kiến thức mới, trong khi vẫn bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Điểm hay khác nữa là đội ngũ giáo viên giảng dạy trên kênh này đều là những người có kinh nghiệm; thời gian học linh động (học trực tuyến hoặc xem lại trên website và fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội)... Với những ích lợi này, rất mong phụ huynh sẽ đồng hành, giám sát, nhắc nhở con em mình nâng cao ý thức để phương thức dạy và học này mang lại hiệu quả cao nhất.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo chương trình phát sóng, học sinh lớp 9 được học 3 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 được học 9 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Các bài giảng được thiết kế theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành.
Không thu tiền khi học online
Để giúp học sinh tự ôn tập, tự học tập kết quả tốt nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 9 và 12 tham dự đầy đủ các buổi dạy học trên truyền hình, ghi chép nội dung bài học và gửi kết quả bài tập cho giáo viên.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, nhà trường hướng dẫn các em học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với thực tế địa phương, nhà trường.
Sở hướng dẫn học sinh tham gia học tập có hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8, 9 và lớp 11, 12 trên địa bàn; Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh lớp 9 và 12 học tập trên truyền hình đảm bảo nền nếp, chất lượng.
Các Phòng GD&ĐT, nhà trường triển khai tới tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh lịch phát sóng hàng tuần, nội dung dạy trên truyền hình. Nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo để 100% giáo viên bộ nghiên cứu sách giáo khoa, cùng theo dõi bài dạy trên Đài PTTH Hà Nội và các địa chỉ truy cập; trao đổi kinh nghiệm trong tổ nhóm chuyên môn, xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy, gửi bài tập cho học sinh làm và chữa bài cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cập nhật việc học tập của học sinh lớp mình, kịp thời thông báo với nhà trường để khuyến khích, động viên kịp thời những học sinh tích cực, chủ động trong học và làm bài tập, đồng thời thông tin tới phụ huynh về tình hình học và làm bài tập của học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh lớp 9, lớp 12 tham dự đầy đủ 100% các buổi dạy học trên truyền hình, ghi chép nội dung bài học và hoàn thành, gửi sản phẩm học tập cho giáo viên.
Đối với các môn học thuộc khối lớp còn lại, nhà trường chủ động chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có kế hoạch cụ thể hướng dẫn học sinh tự học, giao nội dung, bài tập và chữa bài cho học sinh, có biện pháp quản lý, kiểm tra, đánh giá quá trình tự học của học sinh.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường, nhà trường có thể tiến hành dạy học online cho học sinh. Việc dạy học online phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định.
Quá trình tổ chức dạy học online của nhà trường, của giáo viên cho học sinh của trường, của giáo viên do mình phụ trách phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh (kể cả việc Ban Đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên).
Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh tự học và tổ chức dạy học online của nhà trường, giáo viên cho học sinh.
Phòng GD&ĐT, các trường học cử 1 lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác quản lý việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, hướng dẫn tự học của học sinh, thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình việc học tập của học sinh đơn vị mình.