Lo ngại sửa chữa cầu Chương Dương gây áp lực cho giao thông Hà Nội

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông vừa có kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sớm sửa chữa, cải tạo cầu Chương Dương để kéo dài tuổi thọ công trình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, hiện Hà Nội đang tập trung sửa chữa mặt cầu Thăng Long, nếu tiếp tục sửa chữa cầu Chương Dương chắc chắn sẽ gây áp lực cho giao thông Thủ đô.
Hà Nội sẽ lắp đặt tấm chống ồn hai đầu cầu Chương Dương Nữ tài xế livestream đòi tông bất cứ ai cản đường Hà Nội: Lên phương án trị dứt điểm 5 "điểm đen" ùn tắc

Đánh giá cầu Chương Dương xuống cấp

Theo kiến nghị của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa cầu Chương Dương để bảo đảm an toàn giao thông và kéo dài tuổi thọ của cầu này.

Lo ngại sửa chữa cầu Chương Dương gây áp lực cho giao thông Hà Nội

Theo đánh giá của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng được xây dựng và hoàn thành vào năm 1985. Sau hơn 30 năm khai thác, nhiều bộ phận, kết cấu của cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể, lớp bêtông nhựa phần mặt cầu chính bị nứt vỡ ngang mặt đường, tập trung chủ yếu ở các vị trí trên dầm ngang cầu và khe nối của các bản bêtông lắp ghép gây thấm nước xuống bên dưới làm gia tăng mức độ phá hỏng lớp bêtông lưới thép dày 6cm cũng như thấm nước xuống đáy bản mặt cầu và các cấu kiện thép bên dưới. Lớp bêtông dày 14cm dưới hệ bản mặt cầu có hiện tượng vỡ cục bộ do gỉ cốt thép bên trong…

Phần kết cấu thép thuộc kết cấu phần trên của cầu về cơ bản vẫn đang ở trạng thái làm việc bình thường song các hư hỏng và xuống cấp của kết cấu thép đã xuất hiện rất rõ rệt và có xu hướng tiến triển mạnh. Trên cầu hiện còn một số khe co giãn cũ và lan can cầu có chiều cao thấp (chỉ cao 1,1m tính từ mặt cầu), gờ bêtông nhỏ gây tâm lý không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt trong điều kiện thời tiết giông, gió…

Các hư hỏng trên chưa gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tính ổn định và khả năng chịu lực nhưng nếu không có các giải pháp cải tạo, sửa chữa, gia cường kịp thời thì trong tương lai gần sẽ không còn bảo đảm an toàn lưu thông cho các phương tiện cũng như đẩy công trình vào giai đoạn xuống cấp nhanh hơn. Do đó, việc cải tạo, sửa chữa kịp thời các hư hỏng của cầu Chương Dương bằng các giải pháp phù hợp sẽ giúp kiểm soát được quá trình xuống cấp, cải thiện được điều kiện ổn định và chịu lực, giúp kéo dài tuổi thọ cho công trình cũng như bảo đảm an toàn giao thông. Nếu chấp thuận, dự án sửa chữa cầu Chương Dương sẽ được thực hiện ngay trong giai đoạn 2020 - 2021.

Cùng 1 thời điểm sửa chữa 2 cây cầu là không hợp lý

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc cùng 1 thời điểm sửa chữa 2 cây cầu là không hợp lý. Đại diện Hội Cầu đường Việt Nam khẳng định, cùng một thời điểm sửa chữa 2 cây cầu huyết mạch chính vào nội đô sẽ tạo áp lực lớn về giao thông của thủ đô. Do đó, cần tập trung sửa chữa cầu Thăng Long xong rồi sẽ triển khai sửa chữa cầu Chương Dương để giảm áp lực ra vào nội đô Hà Nội.

“Hiện cầu Chương Dương được coi là cầu nội đô vì nối giữa hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm, việc cầu xuống cấp và đến chu kỳ thì việc sửa chữa là điều tất yếu. Nhưng do hiện đang sửa chữa cầu Thăng Long, các phương tiện đi qua cầu này đều phải thay đổi hành trình. Cùng với đó, vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Chương Dương thường xuyên xảy ra, do đó nếu triển khai sửa chữa tiếp cầu Chương Dương sẽ gây áp lực về giao thông vào khu vực nội đô nhất là vào các khung giờ cao điểm” - vị đại diện này nói.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm đội CSGT số 1, Công an TP.Hà Nội), việc sửa chữa mặt đường, mặt cầu phải đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông, nhưng việc sửa chữa phải phù hợp vào thời gian và đảm bảo không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Cầu Chương Dương giờ nằm giữa nội độ, chủ yếu phục vụ việc đi lại của người dân nội đô, hiện vào các khung giờ cao điểm đã xảy ra ùn tắc cục bộ, do đó việc sửa chữa cầu cần phải nghiên cứu kỹ các phương án phân luồng. Các đơn vị thi công cần thực hiện vào các khung giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng).

Cũng theo ông Quỹ, việc sửa chữa là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và đi lại thuận tiện cho người dân. Và nếu sửa chữa ở giữa thì nên bố trí xe từ 9 chỗ trở xuống đi theo hai cánh gà chuyển phương tiện thô sơ và 2 bánh sang cầu Long Biên, các phương tiện từ 9 chỗ trở lên và xe tải sẽ chuyển hướng đi cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thanh Trì vừa đảm bảo sửa chữa cầu vừa đảm bảo việc đi lại của người dân.

“Hiện bề mặt cầu Chương Dương đang xuống cấp, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nhưng cần tập trung sửa chữa ở khung giờ thấp điểm và phân luồng từ xa để đảm bảo an toàn giao thông. Nếu cần thiết sẽ gia cố các thanh dầm ở bên dưới trước, sau đó mới sửa chữa mặt cầu” - ông Quỹ đề xuất.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Từ 8.8, xe cộ bị cấm lưu thông ở tầng trên của cầu (dành cho xe cơ giới) để phục vụ việc thi công sửa chữa. Khi cầu Thăng Long đóng cửa, ôtô ra vào cửa ngõ tây bắc Hà Nội phải dồn sang cầu Nhật Tân. Tính đến nay, cầu Thăng Long đã trải qua 2 lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ. Tr.X

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Từ 8.8, xe cộ bị cấm lưu thông ở tầng trên của cầu (dành cho xe cơ giới) để phục vụ việc thi công sửa chữa. Khi cầu Thăng Long đóng cửa, ôtô ra vào cửa ngõ tây bắc Hà Nội phải dồn sang cầu Nhật Tân. Tính đến nay, cầu Thăng Long đã trải qua 2 lần đại tu và hàng trăm lần sửa chữa nhỏ.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động