Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương

Sáng 3/8, Tạp chí Kinh Doanh tổ chức Diễn đàn liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương.
Hà Nội: Triển khai xây dựng thể chế liên kết vùng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội Thủ tướng chỉ rõ vai trò liên kết vùng giữa các địa phương ĐBSCL và TP HCM

Diễn đàn liên kết vùng trong phát triển kinh tế có sự tham dự của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, cùng với đại diện các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu là đại diện Liên minh HTX, HTX, doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Toàn cảnh Diễn đàn liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương

"Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, nếu liên kết vùng thực chất thì kinh tế địa phương sẽ phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng.

Các chủ thể liên quan, bao gồm các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Tuy vậy, trên thực tế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

“Và liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức”, ông Thịnh nhận định.

Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là doanh nghiệp, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình. Rõ ràng là trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta lại ít nói về hoạt động này.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, chính những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các DN, HTX hình thành cụm liên kết ngành.

Đơn cử, các DN và HTX trong lĩnh vực nông sản, một khi có sự liên kết vùng bền vững sẽ hỗ trợ cho họ có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới là phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau.

Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Một lợi ích nữa khi thúc đẩy liên kết vùng thực chất hơn là tạo ra sự phát triển cụm ngành, trong đó, nếu giữa các địa phương liên kết lại, sẽ dần dần hình thành được các cụm ngành – vốn là xu hướng sản xuất, đầu tư hiện nay, chứ không phải là một nhà máy, DN hay HTX đơn lẻ.

Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực và liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương; Cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng…

“Lãnh đạo các địa phương cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng DN, HTX để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời”, ông Thịnh chia sẻ.

Ngoài ra, liên kết vùng hiệu quả cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.

Khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “hợp quần gây sức mạnh”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tin rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các DN, HTX cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình.

“Tôi hy vọng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho DN, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng.

Thúc đẩy liên kết vùng đang đứng trước 3 nhóm cơ hội và thách thức

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương(CIEM), trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với thúc đẩy liên kết vùng.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh trình bày tham luận.

Viện trưởng CIEM nêu ra 3 nhóm cơ hội và thách thức chính.

Thứ nhất, bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng.

Phân tích nhóm cơ hội và thách thức này, bà Minh cho biết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít bất định, thậm chí cả các diễn biến khó lường.

Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia rất tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, và việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.

“Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế”, bà Minh chỉ ra.

Theo đó, Viện trưởng CIEM khuyến nghị, các DN, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.

Nhóm cơ hội và thách thức thứ hai được TS. Trần Thị Hồng Minh đưa ra đó là thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.

Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng. Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao.

“Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra”, bà Minh nói.

Cuối cùng, Viện trưởng Viện CIEM chỉ ra, biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau.

Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng. Cần lưu ý, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cả vùng, không riêng địa phương nào, do đó đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của các chính quyền địa phương.

“Biến đổi khí hậu là thách thức chung, song cũng là áp lực cần thiết để thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn”, bà Minh nói.

Theo đó, tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất, và thể hiện tư duy hợp tác cùng phát triển kinh tế và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Vì vậy, khi tham mưu Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM cũng nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng.

Cùng với đó, Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực với chi phí trao đổi, chi phí vận hành bộ máy tối ưu nhất.

Ngược lại, nếu không có cách tiếp cận chung đối với Cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương trong cùng khu vực có thể phải đối mặt với vấn đề liên kết vùng lỏng lẻo hơn. Khi ấy, xử lý những thách thức chung liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ không còn là vấn đề đơn giản.

Liên kết vùng sẽ đưa sản phẩm thế mạnh địa phương tới các hệ thống phân phối lớn

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thực tiễn phát triển đất nước đã và đang đặt ra một số vấn đề cần thiết mà một địa phương không thể tự giải quyết được, do vậy đòi hỏi các địa phương, các vùng phải đẩy mạnh liên kết, tận dụng cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế vùng, nội vùng, đồng thời cùng giải quyết những vấn đề chung liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn trình bày tham luận

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX lại càng trở thành vấn đề cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế phải sớm được khắc phục, hoàn thiện về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, trong thời gian qua, chúng ta đã có những chuyển biến tích cực về liên kết vùng. Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả như: Đẩy mạnh kết nối cung cầu thông qua các chương trình, đề án cấp quốc gia và địa phương; Tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; Lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, chương trình hợp tác phát triển kinh tếb- xã hội khác.

Mặc dù vậy, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.

Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Cách phân vùng KT-XH còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.

“Thực tế các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết”, ông Tuấn cho biết.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng, qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.

Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đề xuất: Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về liên kết vùng; Thực thi Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các định hướng và giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết vùng như: Hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam; hỗ trợ các DN tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ….

Đặc biệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa DN sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

“Cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, hỗ trợ đưa hang vào kênh phân phối nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường các nước thông qua một số kênh phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...)”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng không thể thiếu ‘hạt nhân’ HTX, doanh nghiệp

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay sẽ thấy việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) trình bày tham luận

Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang được chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, theo đánh giá của lãnh đạo Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc xây dựng và phát huy mô hình sản xuất nông nghiệp theo liên kết chuỗi và liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp ở các địa phương là hướng đi đúng đắn, trong đó không thể thiếu vai trò của HTX, nông dân và DN trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Vì vậy, để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Vũ Mạnh Hùng kiến nghị, kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các DN.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Tiếp đó, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.

Thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX, liên minh HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong thời gian tới.

Cùng với đó, các giải pháp được TS. Vũ Mạnh Hùng đề ra là tiếp tục thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng mô hình cánh đồng lớn; Cần đề cao vai trò của Nhà nước trong xây dựng và phát triển liên kết ngành, nhất là phát triển sản phẩm chủ đạo có tính chất dẫn dắt, lôi kéo các hoạt động khác phát triển.

Chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền vận động DN, HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ HTX, hỗ trợ DN, hỗ trợ nông dân).

“Đặc biệt, cần chú trọng quan tâm, thu hút được các DN, HTX làm hạt nhân liên kết để xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, sự thu hút các DN, HTX có khả năng thu mua, chế biến và đảm bảo đầu ra cho các nông sản là quan trọng nhất để đẩy mạnh lượng cầu trong tiêu thụ nông sản. Điều quan trọng là cần luôn luôn đảm bảo yếu tố quyết định sự bền vững của mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là sự minh bạch, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro của các thành viên trong toàn chuỗi”, TS. Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Để vượt qua lời nguyền "được mùa rớt giá" thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Nhấn mạnh tới quan điểm không để nông dân bị bỏ lại phía sau trong “cuộc cách mạng tri thức”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, cần thiết tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với phát triển HTX và liên kết chuỗi giá trị nông sản; Tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên cơ sở phát triển HTX và liên kết chuỗi giá trị nông sản; Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản đạt chuẩn.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trình bày tham luận

Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng NN&PTNT “Hợp tác xã, hợp tác xã hay không là gì cả. Hợp tác xã nông nghiệp là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp và chỉ hợp tác xã mới vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, HTX cần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp và chuyên nghiệp hóa nông dân; Nâng cao tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong nông nghiệp, tránh phát triển tự phát (thiếu định hướng thị trường), tuyến tính, tự cạnh tranh lẫn nhau; đồng thời nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Tuy vậy, tồn tại của các HTX là quy mô nhỏ, ít thành viên; động lực từ bên ngoài thay vì lợi ích từ chính HTX đem lại; trình độ, năng lực quản trị còn kém; thiếu thông tin thị trường.

Theo ông Thịnh, với chuỗi liên kết theo Nghị định 98: Cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98 kể từ năm 2018 đến nay, chiếm 29,43% tổng số chuỗi liên kết với 1.250 HTX nông nghiệp tham gia.

Trong đó, chuỗi liên kết từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm với 290 HTX nông nghiệp tham gia; 770 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm với 361 HTX nông nghiệp tham gia; 367 chuỗi liên kết chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm với 208 HTX tham gia.

Tuy nhiên, hạn chế trong thực hiện Nghị định 98 đó là điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết khó khăn, với các DN là yêu cầu liên kết ổn định 3 năm và với sản phẩm lâu năm là 5 năm, tỷ lệ % hỗ trợ của Nhà nước 30%,

Cuối cùng, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đó là: Để thoát khỏi “lời nguyền được mùa rớt giá chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Để vượt qua lời nguyền thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi - trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau, trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng DN, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết.

Ninh Bình mong muốn liên kết vùng với các tỉnh để tạo ra sản phẩm thịt dê chế biến sâu

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Bình cho biết, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu giúp các HTX giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, có những mô hình HTX rất thành công như HTX Sinh Dược.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình

Với các HTX tham gia chuỗi liên kết, Liên minh tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị xây dựng chuỗi chế biến sâu…

Hiện, Liên minh HTX đang hỗ trợ để Ninh Bình gắn với phát triển du lịch. Tuy vậy, việc chế biến sản phẩm về dê vẫn ở mức độ nhất định. Do vậy, Ninh Bình mong muốn liên kết vùng với các tỉnh tạo ra các sản phẩm chế biến sâu về dê như lạp xưởng dê, đùi dê hun khói,… Làm sao nhiều người biết tới thương hiệu dê Ninh Bình.

Bà Tâm chia sẻ, với các HTX phát triển chuỗi giá trị, nói thật là yếu nên cần các cấp, các ngành, tổ chức tạo điều kiện để cho các HTX phát triển, thúc đẩy liên kết.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng để HTX nâng cao năng lực… Xây dựng sản phẩm OCOP đưa ra thị trường, chứng minh được chất lượng. “Sản phẩm của HTX với chất lượng thật, ngon, có thương hiệu riêng”, bà Tâm kỳ vọng.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, liên kết giúp HTX tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương

Cả DN và HTX đều quan tâm đến vấn đề liên kết

Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ, chuỗi của ông ưu tiên phân phối sản phẩm hữu cơ. Các nhà sản xuất phải đáp ứng chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ…

Chuỗi cửa hàng Bác Tôm ưu tiên các HTX, đơn vị sản xuất có chứng nhận của Mỹ, Nhật Bản, tuy nhiên, hiện tại, rất hiếm đơn vị của Việt Nam đạt chứng nhận này.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm

“Bác Tôm mong mỏi và tha thiết đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các chứng nhận chất lượng cho bà con. Thời gian qua, Bác Tôm mất rất nhiều công sức tìm kiếm sản phẩm, đồng thời phải chứng minh với khách hàng về độ tin cậy và kiểm tra chất lượng sản phẩm từ chính nhà sản xuất đưa ra….", ông Chiến cho hay.

CEO Bác Tôm nêu thực tế, có nhà sản xuất nói đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng khi kiểm tra còn nhiều điều kiện chưa đạt chứ chưa nói tới chứng nhận cao hơn là hữu cơ. Nếu HTX chưa có thì hãy tham gia vào mạng lưới hữu cơ, đảm bảo độ tin cậy cho sản phẩm.

Tiêu chí thứ 2 được Bác Tôm đưa ra là các HTX cần phải thông thạo về sử dụng thương mại điện tử, công nghệ thì sẽ được ưu tiên. “Hệ thống vận hành của chúng tôi sử dụng phần mềm, hạn chế hóa đơn thủ công. HTX cần sử dụng các ứng dụng cơ bản để hai bên giao dịch với nhau”, ông Chiến nói.

Cuối cùng, về thương hiệu, CEO Bác Tôm cho rằng, sẽ ưu tiên sản phẩm của HTX có thương hiệu. Quan điểm là cơ sở sản xuất phải đáp ứng hữu cơ, nếu chưa đạt được chứng nhận thì Bác Tôm sẽ đồng hành để hỗ trợ các HTX.

“Bác Tôm sẵn sàng đồng hành cùng với các HTX. Bác Tôm mong muốn được kết nối thêm nhiều mối hàng uy tín và tin cậy cho khách hàng”, ông Chiến nhấn mạnh.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền cao cấp, chuỗi bán lẻ Winmart

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền cao cấp, chuỗi bán lẻ Winmart – Công ty Wincommerce chia sẻ: "Để đáp ứng nhu cầu hàng hoá cho người dân tại hơn 135 siêu thị Winmart và hơn 3 nghìn cửa hàng Winmart+ trên 63 tỉnh, thành trên cả nước, chúng tôi thường xuyên tìm kiếm cơ hội kết nối với các đơn vị sản xuất để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng".

Do đó, Wincommerce thường xuyên phối hợp với các đơn vị chủ lực tiêu thụ sản phẩm vùng miền, trong đó có vải thiều Bắc Giang đang hiện diện nhiều kênh bán lẻ Winmart. Điều này có nghĩa là sản phẩm vải thiều Bắc Giang đã đáp ứng được điều kiện của công ty.

Hiện, Wincommerce đã ban hành bộ tiêu chí và tiêu chuẩn cho từng ngành hàng, sản phẩm, do đó các HTX, DN muốn đưa sản phẩm vào siêu thị Winmart cần đáp ứng các yêu cầu này.

Hiện nay, Wincommerce mong muốn đưa được nhiều sản phẩm của nhiều vùng miền đến với khách hàng với giá tốt nhất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, làm sao để sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tươi nhất và tốt nhất, công ty thiết lập các chuỗi vận tải logistics.

Đây là bài toán “đau đầu” nhất, bởi chi phí logistics rất cao chiếm 30%, làm thế nào giảm chi phí này, bởi nó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngành hàng? Vì vậy, sau khi làm việc với các DN hiện nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp, đặc biệt là các vấn đề tồn kho.

Tuy nhiên, hiện nay, Wincommerce đã xây dựng 7 kho trung tâm tại các địa phương để phân phối hàng đến tất cả điểm hàng trên 63 tỉnh thành, kiểm soát sản phẩm từ kho.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ để vận chuyển hàng hoá nhanh nhất, sản phẩm chất lượng đảm bảo hơn.

Sau hơn 1 năm vận hành hệ thống logistics giúp Wincommerce vận hành ổn định và giá cả cạnh tranh hơn với các đối thủ cùng phân khúc.

Công ty luôn đồng hành cùng với các nhà sản xuất ở mọi miền, cung cấp kế hoạch sản xuất, và ổn định giá, cũng như nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nhà sản xuất.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, giờ là thời kỳ phải sản xuất gia tăng giá trị, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản xuất cái gì, như thế nào, chất lượng ra làm sao. Theo đó, DN sản xuất cần phải xác định trước là tiếp cận thị phần nào, xuất khẩu đi đến đâu. Đây là những vấn đề luôn nói từ những năm trước.

Ông Tuấn đặt vấn đề trong bối cảnh chuỗi trong nước đến đâu, chuỗi giá trị toàn cầu ra sao khi an ninh lương thực thế giới cũng đang đối mặt thách thức.

Về phía Vụ Thị trường trong nước, ông Tuấn cho biết, cơ quan này nhìn nhận đã tiếp cận, tham mưu cho cấp Chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách cho hàng Việt vào hệ thống siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Vụ Thị trường trong nước đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình sản phẩm OCOP… tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam, đảm bảo thông qua chuỗi liên kết đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, bản chất cuối cùng là gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

“Quan trọng nhất, DN, người sản xuất, Nhà nước nhìn được xu hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp ra sao”, ông Tuấn nhấn mạnh. Vụ Thị trường trong nước lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ưu việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Ví dụ quả vải thiều, cách đây 10 năm ra siêu thị Big C vẫn buộc bằng rơm, giờ đây áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết DN và nông dân cho ra sản phẩm đạt chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội)

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) nhấn mạnh: "Chúng ta liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết".

Thứ nhất, DN phân phối chủ thể bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân, là người quyết định sản xuất gì, cho ai, đối tượng nào. Thế nhưng, hiện nay, các DN phân phối lại muốn bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhưng nhà sản xuất chưa biết tiêu chuẩn hữu cơ ra sao, mức độ và yêu cầu như thế nào, DN cần mẫu mã, bao bì sản phẩm như thế nào?

Vì vậy, đơn vị này là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, muốn gặp được làm thế nào, phải tự tìm đến hay cơ quan quản lý chủ trì tạo ra sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn.

Thứ hai là nhà hoạch định chính sách rất quan trọng, tất cả chính sách có phù hợp, đúng và trúng hay không thì phải thông qua các mắt xích để có các quy định phù hợp.

Thứ ba là vai trò quản lý Nhà nước có cơ chế chính sách đúng. Cần phải xây dựng chính sách, trong đó có thể xây dựng cơ chế đặc thù vùng miền hay không, bởi mỗi vùng có một cơ chế đặc thù riêng, như vải thiều Bắc Giang có đặc thù riêng, sữa Ba Vì có đặc thù riêng.

Ngôi nhà ‘Vietnam House’ quảng bá nông sản Việt tới người tiêu dùng Trung Quốc

Ông Nguyễn Duy Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Vinanutrifood cho biết, doanh nghiệp đang xây dựng ngôi nhà “Vietnam House”. Hiện tại, DN đang mong muốn kết nối với các sản phẩm đặc sản vùng miền ở 63 tỉnh thành của Việt Nam và trưng bày tại ngôi nhà này.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Ông Nguyễn Duy Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Vinanutrifood

Từ đó, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sang lựa chọn sản phẩm phù hợp tiêu chí của họ, để xúc tiến thương mại sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Vinanutrifood mong muốn kết nối, đồng hành cùng với HTX để đem nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. “Hiện nay, Việt Nam có nhiều sản phẩm mà người Trung Quốc rất ưa thích, chúng tôi muốn là cầu nối kết nối nông sản Việt Nam với Trung Quốc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ không tin DN, 3.000 hộ nông dân đã xin liên kết với Vinasamex

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, từ khi Vinasamex thành lập đã hướng tới xuất khẩu nông sản đi nhiều nước trên thế giới.

Năm 2012, doanh nghiệp quay về Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị, làm việc trực tiếp với bà con nông dân Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. Hiện, DN đang liên kết với 3.000 bà con nông dân.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex)

Bà Huyền cho hay, lúc đầu quay về Việt Nam xây dựng liên kết vùng gặp rất nhiều khó khăn, đó là sự tin tưởng của người dân. Người dân không tin, sợ DN đưa ra giá thấp. DN mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo cho các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sau một năm, nông dân thấy sản phẩm bán được giá cao, không phụ thuôc thị trường Trung Quốc, nên nhiề hộ nông dân xin tham gia vào chuỗi, xin hợp tác với DN. Qua hơn 10 năm phát triển vùng liên kết, sản phẩm hữu cơ của công ty đã bán sang thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Mỹ.

Về kiến nghị, bà Huyền cho hay, hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Song, DN tiếp cận còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa tiếp cận được. Vì vậy, rất mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các ưu đãi trên, cắt giảm thủ tục hành chính; nhất là về tiếp cận nguồn tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi…

Về dự định, Vinasamex cho hay năm 2027, DN đặt mục tiêu sẽ hợp tác với 10.000 hộ nông dân, bao tiêu đầu ra, cam kết mua giá cao hơn 5-10% so với giá thị trường, tăng sinh kế cho người dân địa phương.

“Chúng tôi mong muốn sẽ tập trung xây dựng các dự án hỗ trợ tăng sinh kế cho bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn mỗi một tỉnh thành có một sản phẩm nông sản đặc trưng”, bà Huyền nói.

Lãnh đạo Vinasamex cam kết sẽ đồng hành với HTX xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng quy chuẩn cho sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo bao tiêu sản phẩm.

Cần nâng cao tính cam kết hợp đồng giữa các bên

Bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, Công ty có nhiều cơ hội thuận lợi để làm việc với các HTX, đặc biệt là các HTX vùng sâu vùng xa khởi nghiệp.

Tuy nhiên, công ty nhận thấy tính cam kết của bà con nông dân, HTX rất yếu. Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại 2 cung cấp cho công ty.

Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam

Hay như trường hợp khi công ty cung cấp cá vào trường học, nơi sản xuất cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh, nhưng khi nhập về, công ty kiểm tra phát hiện có dư lượng kháng sinh rất cao.

“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hoá cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu, người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, DN rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và DN, cần ứng dụng công nghệ 4.0 thì mới mang tính liên kết chặt chẽ, giúp liên kết vùng mạnh hơn, tốt hơn.

PV
Phiên bản di động