Lãnh đạo Tổng cục Môi trường: "Nỗi lo sau lũ là ô nhiễm môi trường"

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, sau bão lũ, giải pháp cấp thiết mà các địa phương cần làm là giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bé trai nỗ lực bơi trong dòng nước lũ lấy hàng cứu trợ Phát hiện 3 quả bom chưa nổ nổi lên sau khi lũ rút ở Quảng Trị
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường: "Nỗi lo sau lũ là ô nhiễm môi trường" | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)
Vệ sinh sau mưa lũ.

Sau hơn nửa tháng sống chung với "lũ chồng lũ," người dân một số tỉnh ở khu vực miền Trung không chỉ phải chịu thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn phải đối mặt với ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh do gia súc, gia cầm chết đã bị phân hủy sau lũ; rác thải bủa vây, thiếu nước sạch.

Để giải quyết thực trạng trên, song song với công tác cứu trợ, khôi phục sản xuất cho người dân, các địa phương cần tập trung dọn vệ sinh, phòng dịch bệnh sau lũ. Người dân cũng cần được hỗ trợ các loại hóa chất xử lý nước, tẩy trùng, khử độc, các loại thuốc chữa bệnh…

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định “thông thường nỗi lo sau lũ là ô nhiễm môi trường.” Vì thế, nhiệm vụ cần làm là giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Về vấn đề này, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) sẽ là cơ quan đảm nhiệm. Chính vì thế, từ nhiều năm trước, Cục Quản lý môi trường y tế đã ban hành cuốn “Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt” nhằm giúp người dân có kiến thức về xử lý nước và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có liên quan để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống xung quanh.

Cuốn sổ tay này được xuất bản từ năm 2000 và từ năm 2004 đến năm 2011 đã được tái bản 5 lần để cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt; di chuyển các thùng đựng chất thải rắn y tế lên vị trí cao, tăng cường khử khuẩn nước thải y tế bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường: "Nỗi lo sau lũ là ô nhiễm môi trường" | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)
Hình ảnh lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Mới đây, Tổng cục Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá và dự báo các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của thiên tai; lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Tổng cục Môi trường cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tham mưu đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố để chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố, ô nhiễm môi trường tại địa bàn dân cư, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải, kho chứa xăng dầu, hoá chất... khi có thiên tai.

Đặc biệt là hướng dẫn các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với xác động vật chết trên địa bàn, tập trung vào các khu vực có cơ sở chăn nuôi/giết mổ; chợ; khu dân cư tập trung,...

Cơ quan quản lý môi trường cao nhất ở các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm như: Các bãi chôn lấp rác thải; kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; khu vực bệnh viện, trạm xá, khu dân cư tập trung.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp đảm bảo vệ sinh, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, áp dụng các biện pháp y tế để khử trùng nguồn nước sinh hoạt của người dân; phun hóa chất diệt trùng, tẩy uế; khơi thông cống rãnh, vũng nước tù đọng, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm,…

“Các đơn vị phải thường xuyên báo cáo về tình hình và diễn biến thiên tai, các ảnh hưởng, mức độ thiệt hại, ô nhiễm môi trường và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đến các cơ quan chức năng để có chỉ đạo và phối hợp kịp thời,” ông Hiền nhấn mạnh.

Nguồn: Vietnam+
www.vietnamplus.vn
Phiên bản di động