Làng "Digan" bên dòng Trà Khúc

Ở Quảng Ngãi có một làng quê mà người nông dân quanh năm, suốt tháng lang thang khắp các dòng sông.

Cách làm nông của họ thực sự có nhiều sáng tạo. Đó là không bám riết lấy quê, không đòi hỏi phải có nhiều đất để canh tác tại chỗ, mà đi đến nhiều tỉnh thành rồi thuê đất, dựng trại, biến những vùng đất hoang vu thành vựa dưa xanh tốt.Những trái dưa hấu lớn nhanh như thổi

Những trái dưa hấu lớn nhanh như thổi

Đời trên cát

Buổi sáng sớm, khi mà những người dân trên phố đang chếch choáng với thông tin diễn biến đại dịch Covid, với những con số cứ nhảy nhót mỗi ngày, rồi chuyện F1, F2… thì cuộc sống của những người nông dân bên dòng sông Trà Khúc vẫn diễn ra bình lặng.

Trên bãi cát trắng dài hút mắt, những túp lều nhỏ được dựng lên và bà con đã vội vã dựng một chiếc giàn nhỏ để trồng mướp, khổ qua, bầu, bí để tạo nguồn rau xanh tại chỗ. Một nông dân rời lều từ sáng sớm để đi thăm những luống dưa dài hút mắt, cười khà khà và cho biết “dưới này trong sạch, đỡ lo virus”.

Đứng từ ruộng dưa nhìn lên 3 chiếc cầu vắt ngang dòng sông Trà Khúc, cuộc sống vẫn hối hả, ngược xuôi. Tuy nhiên, cách đó không xa là một khoảnh không gian yên bình.

Bà Nguyễn Thị Lài, 56 tuổi, quê ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn cho biết, người dân làng Bình Chương đã gồng gánh đi khắp các dòng sông trồng dưa hơn 20 năm rồi. Ở ngoài quê đất đai không được phù sa bồi đắp như ở bên cạnh những dòng sông. Nếu canh tác trồng dưa ở quê thì chỉ 1 - 2 mùa là giống dưa thoái hóa, chất lượng dưa kém đi, còn đất ven sông thì màu mỡ, mỗi năm đều được bồi đắp, dưa của bà con ở Bình Chương là ngon nhất.

Cứ đầu tháng 11, những nông dân xã Bình Chương bắt đầu xuống dòng sông Trà Khúc, thuê xe ủi cày xới để gieo dưa hấu vụ đông xuân. Gieo trồng đầu tháng, giữa tháng, hoặc cuối tháng là tùy thuộc vào từng sự tính toán của các lão nông. Ngồi dưới dòng sông, chống cằm, nheo mắt phán đoán tình hình thế sự, những lão nông sẽ ra quyết định. Bởi, nếu trồng cùng lúc, dưa hấu chín ồ ạt, hàng chở ra Lạng Sơn, Lào Cai bị ứ lại quá nhiều thì thị trường sẽ lặp lại điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”.

Dưa của nông dân Bình Chương được cho là ngon nhất, còn nông dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cũng cho rằng, dưa hấu trồng ở đảo là ngon nhất, do nguồn đất núi lửa. Tuy nhiên, cái nhất rõ ràng của người nông dân Bình Chương là sự bứt phá, di chuyển, không bám dính với làng quê để rồi mấy chục năm vẫn làm theo lối mòn xưa cũ.

Dòng sông thì năm nào cũng được phù sa bồi đắp. Cứ sau mỗi mùa mưa, đất dưới sông Trà Khúc nắm trên tay giống như bùn khô được xay mịn, bề mặt đất có một lớp váng mỏng trộn lẫn đất mùn. Đó là loại đất cứ gieo dưa xuống thì thân cây mập mạp, lá to căng như bàn tay xòe ra hứng ánh mặt trời, biểu hiện của sự sinh trưởng sung mãn.

Nông dân trúng dưa hấu, có khi được mùa thì lại mất giá

Nông dân trúng dưa hấu, có khi được mùa thì lại mất giá

Đời khác lạ

Lão nông Nguyễn Đồng nâng niu từng ngọn dưa xanh mơn mởn và cho biết, nếu sáng sớm xuống đây chụp hình thì đẹp hơn. Tôi giật mình và hỏi kỹ, hóa ra cuộc sống của những lão nông dưới dòng sông đều diễn ra ở những khoảng thời gian khác lạ. Những ngày nắng chói chang, nông dân dậy từ lúc 4 giờ kém, thắp đèn sáng và xem như một ngày ruộng đồng đã bắt đầu. Do làm việc sớm, những nông dân thường ngước nhìn ánh mặt trời đẹp rực rỡ trải dài trên những dòng sông. Có lúc là sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Sê rê pốc ở Đăk Lăk, nhiều dòng sông khác ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận…

Chị Nguyễn Thị Bé ngồi lom khom bấm ngọn dưa và cho biết, nông dân gọi là bấm chèo, mỗi dây dưa chỉ để lại chèo chính để dưa tăng trưởng. Đối với nhà nông thì nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Trong 4 yếu tố trên thì phương pháp trồng dưa dưới những dòng sông của người nông dân ở xã Bình Chương xem như đã hội tụ đủ cả 4.

Nói về yếu tố “cần”, tức cần cù, chị Bé cho biết, “đầu tháng 7 thì vợ chồng em lên Đăk Lăk trồng dưa, tới tháng 10 thu hoạch, sau đó lui về dòng sông ở Phú Yên trồng tiếp, rồi về sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, cứ mỗi năm trồng dưa 9 tháng ở 3 tỉnh khác nhau.

Mỗi gia đình "Digan" ở Bình Chương trồng bao nhiêu sào dưa? Chị Bé cho biết, có gia đình trồng 1,5ha, có gia đình trồng 2 - 3 sào. Tới ngày thu hoạch thì các gia đình phải huy động thêm nguồn nhân lực, gọi những người nông nhàn ở các địa phương lân cận tới để làm thuê, trả tiền công 200.000 đồng/ngày. Những ngày chị em tới làm công ồn ào, người ra người vô, có người còn đùa vui rằng, nông dân nhưng lên chức giám đốc, chỉ có điều thiếu ghế bành xoay và máy điều hòa là gió mát từ dòng sông.

Nhiều nông dân có thâm niên hơn 20 năm trồng dưa cạnh những dòng sông ngồi kể lại kỷ niệm. Kỷ niệm đó thường có những đêm trăng thanh, gió mát, mọi người cười vui và hưởng một cuộc sống thanh bình. Dòng sông đã mang lại cho họ cuộc sống no đủ.

Tuy nhiên, niềm vui không phải lúc nào cũng đong đầy. Đó là có một vài lần, nước lũ trên nguồn đột ngột đổ về. Dòng sông Sê rê pốc bỗng trở nên hung dữ, nước dâng ngập tràn bờ. Vậy là nửa đêm, các lão nông bừng tỉnh, hò hét khiêng đồ đạc rời khỏi vùng ven sông, sau đó quay mặt lại nhìn dòng nước chẳng mấy chốc đã đổ về lênh láng.

Tiền như dưa

Đi dọc dòng sông Trà Khúc, nhìn ngắm những luống dưa xanh tốt, bóng dáng những người nông dân cần cù một nắng hai sương, tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện vợ chồng Mai An Tiêm. Cứ vào dịp đầu mùa, trước ngày gieo hạt, những lão nông mưu sinh cạnh dòng sông thường đặt đĩa trái cây, con gà và thắp hương khấn vái. Phong tục của người Việt, nghề nào cũng có một ông tổ nghề. Mai An Tiêm là nhân vật trong truyền thuyết thời Hùng Vương. Tuy nhiên, vợ chồng Mai An Tiêm tới giờ này vẫn luôn hiện ra đâu đó trong cuộc sống thường ngày của những vợ chồng mưu sinh bên dòng sông.

Tôi mãi vẫn không hiểu, cách gọi từ “trà” của người nông dân trồng dưa được quy ra là con số mấy. Chỉ biết rằng, các lão nông ngồi bấm ngón tay và ước tính, cứ mỗi trà dưa thì đầu tư khoảng 80 - 100 triệu. Còn việc lời - lỗ từ nghề trồng dưa là con số khó có thể nói trước điều gì. Bởi giá dưa hấu lúc tụt xuống thấp nhất là 500 đồng/kg, lúc lên cao thì được thu mua tại ruộng lên đến 12.000 đồng/kg. Năm 2019, giá dưa lên cao và được xem như ở đỉnh, làng dưa vì vậy trở lên nhộn nhịp. Nhiều lão nông không nói về thu nhập, chỉ bảo rằng, “thì em cứ tính thử, anh trồng 1 trà, đầu tư gần 100 triệu, thu về 30 tấn dưa, tiền vô nhanh như dưa lớn vậy”.

Tôi khoái nhất là nghe cụm từ “tiền vô như dưa”. Bởi dưa hấu là một loại quả có tốc độ sinh trưởng thần kỳ. Buổi sáng, trái dưa nhỏ như nắm tay thì buổi sáng hôm sau đã to như chiếc mũ. Đó là những ngày các lão nông ồn ào bàn tính chuyện “canh giá”. Các tiểu thương bắt đầu tới, lui, hẹn hò với một cục tiền cọc 30 - 50 triệu để giữ mối thu mua. Nhìn dưa lớn nhanh như thổi, nhiều lão nông khoái chí, nhưng cũng có lúc thì lại mong “dưa ơi mày lớn chậm lại”. Bởi vì, có khi dưa chín rộ, bán 5.000 đồng/kg, nhưng chỉ sau vài ngày, giá dưa bất ngờ tăng vọt lên 8.000 đồng, sau đó lại tụt giảm.

Lão nông Nguyễn Đồng chỉ vào cậu thanh niên đang bấm ngọn dưa và cho biết, con trai út đang học đại học công nghệ thông tin, nhưng cũng tranh thủ ngày nghỉ chạy về trồng dưa. Ông Đông nói về cuộc sống ven sông không đơn độc, vì “tối tối bước tới các trại lân cận là sang hàng xóm, hơn 200 hộ gia đình ở Bình Chương làm nghề trồng dưa hấu, tới nơi nào ba con cũng quây quần thành xóm dưa ven sông.

Theo thống kê của Sở NN và PTNN tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng dưa hấu ước đạt 22.000 tấn/mùa. Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị thường xuyên kết nối với các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn để thông báo về tình hình xuất dưa qua thị trường Trung Quốc, qua đó tư vấn cho bà con nông dân về nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm các cửa khẩu đóng cửa và xuất hàng nhỏ giọt, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
nongnghiep.vn
Phiên bản di động