Kỳ 1: Trung tâm Cô Đỗ bán “thần dược” chưa được cấp phép?
Cửa hàng SSS Momcare của Hằng Túi 'thản nhiên' bán thực phẩm chức năng đã chảy nước Sự thực về mỹ phẩm Thảo mộc vệ sinh Mộc Linh của “hotmom” Hằng Túi |
Bạn đọc phản ánh về việc một đơn vị tự xưng là Trung tâm "Cô Đỗ" lập ra hàng loạt website, fanpage để bán các loại “thuốc” đông y “rởm” cho khách hàng. Trung tâm này đã tung ra hàng loạt sản phẩm được quảng cáo có khả năng giảm các khối u lành tính trong tử cung, giảm đau bụng kinh hay có thể điều trị được nám, hỗ trợ tăng cân, giúp bổ huyết, đẹp da...
PV Báo Tuổi trẻ và Pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu, làm rõ thông tin và nhận thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở.
Tài khoản Facebook của Boss Đỗ Thị Lan Hương |
Trung tâm Cô Đỗ được quảng cáo có địa chỉ tại tổ 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trên website https://trinamcodo.com/ công khai quảng cáo thuốc đặc trị nám với nhiều thông tin khiến người tiêu dùng bị "hoa mắt" như: Với công thức bí truyền, bộ sản phẩm gia truyền trị nám đông y Cô Đỗ đã giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân từ khắp nơi trên đất nước. Đây là thương hiệu uy tín được tin dùng và ngày càng được nhiều người biết đến...
Theo tìm hiểu qua các đại lý được biết, bà Đỗ Thị Lan Hương là người sáng lập ra Trung tâm Cô Đỗ. Sản phẩm "viên uống trị nám Codo" có giá bán lẻ là 860 nghìn đồng.
Trung tâm ứng dụng thực nghiệm y học cổ truyền Cô Đỗ |
Một đại lý phân phối sản phẩm ở khu vực Hà Nội cho biết: "Sản phẩm này trên thị trường chỉ còn số lượng ít vì không sản xuất nữa. Để "thay áo" cho sản phẩm viên uống trị nám thì Trung tâm đổi tên sản phẩm thành Mỹ Diện Hoàn. Sản phẩm này có thiết kế nhỏ gọn, giá thành giảm chỉ còn 490 nghìn đồng".
Hầu hết đại lý của Trung tâm Cô Đỗ đều khẳng định sản phẩm viên uống trị nám và Mỹ Diện Hoàn là thuốc đông y. Khi PV hỏi họ về giấy công bố sản phẩm thì các đại lý này đều cho rằng: Bên em có phiếu kiểm nghiệm (phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1).
Phiếu kết quả kiểm nghiệm được đại lý sử dụng như "giấy thông hành" cho sản phẩm viên uống trị nám Codo |
Để rõ hơn, PV mua sản phẩm Mỹ Diện Hoàn. Quan sát bên ngoài vỏ hộp thấy các thông tin như: sản phẩm của Trung tâm Cô Đỗ; địa chỉ: tổ 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Tra cứu thông tin về sản phẩm, PV nhận thấy viên uống trị nám và Mỹ Diện Hoàn chưa hề được đăng ký với Sở Y tế tỉnh Yên Bái; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hay bất cứ một đơn vị cấp phép nào khác.
Ngoài ra trên sản phẩm còn in thêm dòng thông tin là "Số ĐK: 16C89926_09/2018”. Điều này khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là số đăng ký lưu hành sản phẩm, nhưng thực chất con số này không thể hiện điều gì.
Mỹ Diện Hoàn chưa được cấp phép lưu hành |
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh thì:
“Trong trường hợp có sản xuất một số dạng đóng gói sẵn để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị (cao, đơn, hoàn, tán hoặc các dạng khác) thì phải đăng ký với Sở Y tế tỉnh về công thức bài thuốc, quy trình sản xuất (kèm theo bản giải trình về cơ sở vật chất, thiết bị), công dụng, liều dùng, chống chỉ định và mẫu nhãn thuốc. Sở Y tế tỉnh sẽ xem xét thẩm định và công nhận đủ điều kiện thì mới được sản xuất. Thuốc chỉ để phục vụ trực tiếp cho người bệnh của phòng chẩn trị, không lưu hành trên thị trường theo đúng quy định của Luật Dược.”
Có thể thấy, Trung tâm Cô Đỗ sản xuất một số loại thuốc đông y dạng viên, dạng bột để uống và cho lưu hành trên thị trường thông qua hệ thống đại lý bán hàng online có theo đúng quy định của Luật Dược?
Ngoài những dấu hiệu vi phạm nêu trên, Trung tâm Cô Đỗ còn bị tố là đơn vị “ảo” chưa được cấp phép hoạt động.
Về nội dung đơn tố cáo này có thực sự đúng hay không? Chúng tôi sẽ làm rõ ở kỳ sau!
(còn nữa...)