Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt những “cơn gió ngược”

Năm 2023, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước, song với sự lãnh đạo của Đảng; Sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; Sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khá tích cực, tạo tiền đề cho năm 2024 và những năm tới.
Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế Kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo ra sao?

Một năm vượt muôn trùng khó khăn

Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2023 với muôn trùng khó khăn trong bối cảnh thế giới đang chạy đua với cuộc chiến lạm phát, nhiều bất ổn địa chính trị xảy ra.

Cụ thể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột Nga - Ukraina diễn biến phức tạp, giao tranh ở khu vực Trung Đông đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau dịch COVID-19.

Cùng với đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; Nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng… Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; Hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng… ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của khu vực và thế giới.

Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt những “cơn gió ngược”
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc, giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế... kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đặc biệt, tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt trên 5% là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt những “cơn gió ngược”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, tháng 12/2023

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Tổ chức Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Hơn nữa, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Điểm nhấn năm 2023 là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ, là năm cao thứ ba trong giai đoạn 2008 đến nay. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.

Cùng với đó, hoạt động đăng ký kinh doanh năm 2023 rất ấn tượng với kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn năm 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Mặt khác, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 cũng đạt hơn 58.400. Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tiếp tục ở mốc hơn 200.000, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm.

Ngoài ra, năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Dấu ấn tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực

Một trong những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam được đánh giá đến từ nỗ lực điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương. Trong suốt năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo tháo gỡ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt những “cơn gió ngược”
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia bắt tay hợp tác về thiết lập cơ chế họp 3 Thủ tướng Chính phủ, nhân chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 - 18/12/2023

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Chính sách tài khóa được thực hiện có trọng tâm nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra trầm lắng. Nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

Nhiều cuộc họp giữa Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp được tổ chức kịp thời đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã nhanh chóng thành lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực nóng như bất động sản, đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công...

Kinh tế Việt Nam kiên cường vượt những “cơn gió ngược”

Cũng trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triển khai tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế với nhiều chuyến công tác có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là xây dựng, tổ chức triển khai các thỏa thuận cấp cao, tạo điều kiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy, với dấu ấn điều hành kịp thời và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có một năm “vượt khó” thành công khi các chỉ số đạt được tích cực trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề phát triển cho năm 2024.

Năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; Động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên dự báo kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt nhiệm vụ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quôc gia; phát huy cơ hội từ thị trường trong nước và xuất khẩu trong dịp cuối năm 2023 và đầu năm 2024; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và huy động, phát huy hiệu quả đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Văn Huy
Phiên bản di động