Chúng tôi bớt nỗi lo bị “gõ cửa” thanh tra quá nhiều!
Vừa bị thanh tra vừa kiểm toán thì hết thời gian sản xuất, kinh doanh Cuộc cách mạng lớn trong hoạt động thanh tra Không phân biệt thanh tra hành chính và chuyên ngành |
Đó là câu cảm thán được đại diện một số doanh nghiệp khi chia sẻ với phóng viên về việc Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cởi bỏ nỗi lo thanh tra “hành” doanh nghiệp
Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp được đón nhận một loạt thông điệp hết sức quan trọng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân như: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…
Đặc biệt là việc, ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW đang từng bước hiện thực hóa những quan điểm chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, hồi giữa tháng 3/2025 vừa qua; đặc biệt là việc lượng hóa cụ thể các mục tiêu và sự khác biệt về quan điểm chỉ đạo.
Không chỉ là sự ghi nhận về mặt tư tưởng, Nghị quyết 68-NQ/TW phản ánh một tầm nhìn cải cách sâu rộng, đổi mới thực chất, đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, khơi thông nguồn lực và giải phóng sức dân.
Trong nhóm giải pháp phát triển triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu rõ phải đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
![]() |
Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu rõ bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân. |
Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng nêu rõ sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp được Nghị quyết số 68-NQ/TW lượng hóa cụ thể.
Theo đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
"Việc Nghị quyết số 68-NQ/TW yêu cầu chỉ thanh tra doanh nghiệp mỗi năm một lần, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, chúng tôi vơi bớt nỗi lo bị “gõ cửa” thanh tra quá nhiều. Trước đây, mỗi năm phải tiếp vài đoàn kiểm tra, thanh tra chúng tôi không còn thời gian để sản xuất, kinh doanh nữa", ông Đồng Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thái Sơn (trụ sở tại Hà Nội) chia sẻ.
Khi doanh nghiệp được vơi gánh nặng
Theo ông Sơn, Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự là bước đột phá cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
"Mỗi năm chúng tôi khổ sở vì thanh tra, kiểm tra, hết thuế đến phòng cháy chữa cháy, hết thanh tra hành chính rồi đến thanh tra chuyên ngành. Việc yêu cầu chỉ thanh tra doanh nghiệp mỗi năm một lần sẽ giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh", ông Sơn nói thêm.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. |
Cũng theo ông Sơn, việc giảm tần suất thanh tra, kiểm tra cũng giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng hành chính, chi phí tuân thủ, doanh nghiệp sẽ không còn phải tiếp nhiều đoàn trong năm. Cùng đó sẽ tránh được sự chồng chéo, phòng chống tiêu cực, lạm quyền, giảm cơ hội vòi vĩnh, trục lợi, làm minh bạch hóa hoạt động thanh tra.
Tuy vậy, ông Sơn cũng cho rằng, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tiễn, cần đồng bộ triển khai thể chế hóa nhanh chóng các nội dung nghị quyết bằng luật, nghị định, chương trình hành động cụ thể; thiết lập cơ chế giám sát độc lập việc thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với đó là rà soát, bãi bỏ các quy định rào cản, không phù hợp với môi trường kinh doanh thị trường; thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ ngành – địa phương – hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị quyết, làm cơ sở điều chỉnh kịp thời chính sách.
"Việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW đòi hỏi sự đồng lòng giữa Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, để từ đó kiến tạo một hệ sinh thái phát triển minh bạch, công bằng, sáng tạo và đầy khát vọng vươn lên", ông Sơn chia sẻ.
Ở góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt khu vực tư nhân vào đúng vị trí, trao cho họ vai trò và sứ mệnh xứng đáng.
Theo ông Thân, khối doanh nghiệp tư nhân là những chủ thể tự bỏ vốn, vận hành sản xuất kinh doanh mà không cần bất kỳ ai thúc đẩy. Do đó, điều họ cần chỉ là một môi trường minh bạch, thông thoáng để tự do sáng tạo và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, yếu tố quyết định nằm ở khâu thực thi, dù chính sách đã được ban hành, nhưng nếu không triển khai đồng bộ và quyết liệt thì sẽ khó tạo ra chuyển biến thực sự.
“Thương trường như chiến trường, doanh nghiệp chính là những người trực tiếp cầm súng”, ông Thân nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp, rất cần sự nhất quán, quyết đoán từ chính quyền các cấp, các ngành.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng kêu gọi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, bởi thực thi chính sách không chỉ là nhiệm vụ hành chính mà còn là hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp, gần dân, thấu hiểu thực tiễn để biến chủ trương thành kết quả thực chất, từ đó góp phần đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.