Kiến tạo chính sách để củng cố năng lực nội sinh của doanh nghiệp

Việc tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng sẽ là vấn đề đặt ra với các cơ quan Nhà nước để hoạch định chính sách sát thực tiễn hơn, tạo tiền đề cho năm 2024 và giai đoạn tiếp theo...
Các nghị sĩ trẻ kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp do thanh niên là người đứng đầu "Nuôi dưỡng" một doanh nghiệp khởi nghiệp cần có cả hệ sinh thái

Ngày mai 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ diễn ra với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Diễn đàn năm nay lấy chủ đề như vậy với mục đích tìm kiếm giải pháp, biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn hiện hữu của nền kinh tế, đồng thời tìm ra dư địa, động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Trao đổi trước thềm diễn ra diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2023, tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam từ đầu năm, những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 3,1%, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm; sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng khá; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động.

Một số giải pháp được triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được quan tâm thực hiện…

Kiến tạo chính sách để củng cố năng lực nội sinh của doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung của toàn cầu cũng như các giải pháp hữu hiệu khắc phục những bất cập nội tại của nền kinh tế.

Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong nước sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm; mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%; cũng như Kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng cần sự phấn đấu lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, ông Thanh cho biết, chúng ta cần tiếp tục tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng nội địa; quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là Hà Nội, TP HCM...

Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đánh giá đúng thực trạng, tình hình doanh nghiệp từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, diễn đàn năm nay sẽ tập trung trao đổi, thảo luận với nhiều nhóm nội dung, từ đó Quốc hội sẽ có đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021 - 2023; nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sau đó là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách, với mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.

Hiện sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca.

Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.... Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Trong bối cảnh đó đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; tìm kiếm các giải pháp không chỉ là tăng cường, phát huy năng lực nội sinh, mà còn kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước, nền kinh tế ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

"Điều đó cho thấy chúng ta cần có chính sách tổng thể để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững thời điểm này là phù hợp và tôi nghĩ là rất cần thiết", ông Thanh nhìn nhận

Theo ông Thanh, qua những trao đổi tại diễn đàn Kinh tế xã hội 2023 lần này, Ủy ban Kinh tế sẽ có thêm những góc nhìn toàn diện hơn để tham mưu cho Quốc hội những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường, phát huy “nội lực” của nền kinh tế, nội lực của doanh nghiệp, đi cùng với đó là vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt.

Hậu Lộc
Phiên bản di động