Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu như vậy đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành điện lực diễn ra sáng 21/12.
Nguy cơ thiếu điện, Bộ Công thương họp khẩn EVN, TKV, PVN chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để thiếu điện

Tại buổi lễ này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ cung ứng đủ điện của ngành điện trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn hiện nay, việc đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân là nhiệm vu đặc biệt quan trọng. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, ngành điện cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới do nhiều dự án, nguồn điện chậm tiến độ và sự thiếu đồng bộ của đường dây truyền tải.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với ngành điện là phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

khong de thieu dien trong bat cu hoan canh nao
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: EVN.

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành điện lực phải chủ động tham gia với Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Điện 8 giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó phải xác định ngay tổng quy mô công suất, cơ cấu các nguồn điện trong từng giai đoạn; đồng thời xác định không gian bố trí các nguồn điện để làm cơ sở cho việc tiến hành điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong thời gian trước mắt nhằm bổ sung đầu tư các nguồn điện mới như điện khí, điện mặt trời, điện gió...

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, ngành điện lực phải tập trung tháo gỡ khó khăn, để sớm đưa các dự án trọng điểm, chậm tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng.

Về phát triển nguồn điện mới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đầu tư có chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; đa dạng hóa các loại hình phát điện, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo với tỷ trọng hợp lý.

Về phát triển lưới điện, Phó Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại để nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng điện năng; khắc phục nhanh hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Về giá điện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.

Theo báo cáo của Bộ Công thương mới đây, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Trong các báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công thương nêu thực tế do điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.

Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. “Bộ Công thương sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về nguy cơ thiếu điện, đưa ra các giải pháp về cơ chế để giải quyết. Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ”, người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động