Khi nào xe ba bánh tự chế hết hoành hành?

Mặc dù có nhiều chỉ đạo, văn bản, lực lượng chức năng ra quân xử lý, nhưng tình trạng xe thô sơ, xe tự chế chở sắt thép, vật dụng cồng kềnh trên các đường phố của Hà Nội, gây ra nhiều vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc vẫn diễn ra. Vậy đâu là "thời hạn chót" để loại phương tiện này hết hoành hành?
Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe thương binh cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa Hà Nội: Xe tự chế chở bó thép dài đâm thủng kính xe bus Xe tự chế chở sắt dài khiến người đi đường hoảng sợ

Nỗi ám ảnh của người đi đường

Hằng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe thô sơ, tự chế nghênh ngang hòa cùng dòng xe đông đúc trên các tuyến phố. Điển hình tại các phố Đê La Thành, Nguyên Hồng, Thành Công (quận Ba Đình), do có nhiều hộ kinh doanh đồ gỗ nội thất nên thường xuyên có xe tự chế chở loại hàng hóa này giao cho khách hàng ở khắp nơi.

Trên các tuyến đường vành đai, cửa ngõ Thủ đô, như: Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; Quanh khu vực có nhiều công trình đang xây dựng tại các quận, huyện: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức... cũng luôn xuất hiện các loại xe máy chở sắt, tôn thép, cửa cổng sắt, bàn ghế, tủ… Nhiều chủ xe không sắp xếp gọn gàng, chằng buộc cẩu thả... khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Xe chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm).
Xe chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm).

Đặc biệt, bất chấp giờ cao điểm, mật độ phương tiện tăng cao, các phương tiện này vẫn ngang nhiên tham gia giao thông.

Anh Hoàng Nhật Quân, ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề (quận Long Biên) chưa hết nỗi ám ảnh kể lại, cách đây một tuần, trên cầu Chương Dương xảy ra va chạm giữa 2 xe máy khiến dòng xe đi phía sau phải phanh gấp. Trong lúc đó, anh Quân đã bị một chiếc xe ba bánh tự chế lao thẳng vào, khiến xe đổ và đè lên chân. "Xe tôi bị đâm gây cong vênh, hỏng nặng phần đuôi. Được mọi người giúp đỡ tôi mới dựng xe lên được...", anh Quân kể lại.

Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh được ghi nhận vào khoảng 9h ngày 23/4. Theo đó, một xe máy chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân.

Khi nào xe ba bánh tự chế hết hoành hành?

Khi xe máy đi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng), các thanh sắt trên xe đã xiên vào một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe ô tô 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy cũng đâm vào các thanh sắt này. Hai xe ô tô hư hỏng nặng, nhưng cũng đành chịu thiệt thòi vì người chở hàng cồng kềnh không có khả năng đền bù thiệt hại...

Người dân ở Hà Nội hẳn chưa quên vụ tai nạn “suýt chết” giữa xe ba bánh tự chế chở rất nhiều thanh thép dài đi ngược chiều đã va chạm với xe buýt biển kiểm soát 29B-193.63 khoảng 6h30 sáng 8/5, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân hướng đi về quận Hà Đông (Hà Nội).

Rất may không có ai thiệt mạng
Rất may không có ai thiệt mạng

Hậu quả, nhiều thanh sắt trên xe ba tự chế đâm xuyên kính trước phần bên lái xe buýt, nhiều thang lao thẳng vào vị trí lái xe. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người.

Mới đây nhất, khoảng 6h30 ngày 17/5, trên đường Vành đai 2, đoạn thuộc phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) xảy ra vụ cháy xe ba bánh do va chạm giao thông.

Vào thời điểm trên, chiếc xe ba bánh tự chế do một nam thanh niên điều khiển chở theo một người đang lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao theo hướng đi Võ Chí Công. Khi đến lối rẽ xuống Hoàng Quốc Việt thì phần đuôi xe bị đập vào dải phân cách rồi văng ra ngoài va chạm với xe máy do một phụ nữ điều khiển đi cùng chiều.

Xe tự chế bốc cháy trên đường vành đai 2
Xe tự chế bốc cháy trên đường vành đai 2

Va chạm khiến người phụ nữ mất lái sau đó bị hất văng qua dải ta-luy đường và nằm trên bãi cỏ. Chiếc xe ba gác gây tai nạn sau đó bốc cháy và được Công an phường Vĩnh Phúc dập tắt lửa.

Theo thông tin ban đầu, người điều khiển xe ba gác là Nông Văn Th (sinh năm 2005; ở tỉnh Cao Bằng), mới chạy xe này được khoảng 5 tháng. Còn nạn nhân nữ được đưa đi cấp cứu, đang xác định danh tính.

Tăng cường kiểm tra, thu hồi, xử lý nghiêm xe vi phạm

Đa số xe chở hàng hóa, vật dụng cồng kềnh đều là xe thô sơ cũ nát, xe tự chế. Tuy vậy, theo Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện là xe máy, mô tô. Các phương tiện này cũng không phải kiểm định an toàn kỹ thuật...

Trong khi đó, dù Chính phủ đã có quy định từ ngày 1/1/2018, mô tô, xe gắn máy cũ sử dụng sẽ bị thu hồi (Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ) nhưng lại chưa có quy định về niên hạn sử dụng nên rất khó xác định đâu là xe cũ nát, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi. Vì vậy, giải pháp trước mắt mà lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các vi phạm trên đường phố, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng có các phương án xử lý xe quá cũ nát, xe thô sơ như xử phạt vi phạm giao thông, tịch thu phương tiện… Các cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài truy cứu trách nhiệm của chủ hàng hóa - người thuê chở, nếu có hành vi chủ động, cố ý thuê phương tiện chuyên chở hàng hóa cồng kềnh trái quy định.

Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người vi phạm ngoài nộp phạt hành chính còn phải khắc phục hậu quả khi làm rơi vãi vật liệu; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn nếu gây tai nạn giao thông... Trong trường hợp gây tai nạn tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý về mặt hình sự.

Các lái xe sẵn sàng bỏ lại phương tiện cũ nát, tự chế khi bị xử lý vi phạm
Các lái xe sẵn sàng bỏ lại phương tiện cũ nát, tự chế khi bị xử lý vi phạm

Quy định là thế, song trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chủ xe gây tai nạn rồi để lại phương tiện và bỏ trốn; trong khi đó, người bị hại thường e ngại va chạm pháp lý với người chở hàng cồng kềnh vì biết phần lớn họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khó có thể đền bù được thiệt hại... Vì vậy, ngoài biện pháp tập trung xử lý vi phạm hành chính, thu hồi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng cần tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để các chủ xe không chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Liên quan đến các vụ tai nạn liên quan đến xe tự chế, xe ba bánh, ngày 9/5, UBND TP Hà Nội có văn bản số 1370/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự an toàn giao thông.

Về việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Công an TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện cho hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Khi nào xe ba bánh tự chế hết hoành hành?
Ra quân xử phạt xe ba bánh, xe quá niên hạn chở hàng cồng kềnh

Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), ngày 11/5 cũng đã ra quân xử phạt hàng loạt xe ba bánh tự chế, xe mô tô quá niên hạn chở hàng cồng kềnh trong đợt cao điểm phục vụ SEA Games 31.

Thế nhưng tình trạng xe tự chế, xe ba bánh vẫn diễn ra, điển hình là vụ cháy xe ba bánh tự chế sáng 17/5 trên đường vành đai 2 như đã nói ở trên.

Thiết nghĩ, Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để xử lý dứt điểm tình trạng xe thô sơ, tự chế hoành hành như hiện nay.

Hoa Thành
Phiên bản di động