Khi hệ miễn dịch "phản bội" cơ thể
Hệ miễn dịch và cuộc chiến với virus Corona 2019-nCoV |
Một người đàn ông 43 tuổi đến bệnh viện Paris ngày 17/3 với triệu chứng sốt và ho. Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy "tổn thương kính mờ" ở cả hai phổi - dấu hiệu đặc trưng của Covid-19.
Hai ngày sau, tình trạng của anh đột nhiên xấu đi, nồng độ oxy giảm. Bác sĩ cho rằng cơ thể bệnh nhân trải qua Hội chứng giải phóng cytokine (còn gọi là cơn bão cytokine), phản ứng nguy hiểm của hệ thống miễn dịch. Khái niệm này đã trở nên phổ biến trong Covid-19. Nó cũng cho thấy các phương pháp điều trị hữu hiệu.
Khi cơ thể lần đầu tiếp xúc với virus hoặc vi khuẩn, hệ thống miễn dịch được kích hoạt, bắt đầu "chiến đấu" với các yếu tố xâm nhập. Những phân tử cytokine có vai trò rất quan trọng, tạo ra một loạt tín hiệu để tế bào sắp xếp phản ứng. Thông thường, phản ứng miễn dịch càng mạnh thì cơ hội đẩy lùi mầm bệnh càng cao. Đây được coi là lý do vì sao trẻ em ít bị tổn thương bởi nCoV hơn.
Khi virus bị bất hoạt, hệ thống miễn dịch trở lại trạng thái bình thường.
"Điều này xảy ra đối với hầu hết bệnh nhân", tiến sĩ Randy Cron, chuyên gia về Hội chứng giải phóng cytokine tại Đại học Alabama, thành phố Birmingham, Anh, cho biết.
Một khu chăm sóc chuyên sâu dành cho bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Liège, Bỉ. Ảnh: AP |
Song cũng theo ông Cron, trong một số trường hợp, ở khoảng 15% số người mắc bệnh truyền nhiễm, hệ thống miễn dịch vẫn làm việc ngay cả sau khi virus không còn hoạt động nữa. Nó tiếp tục giải phóng cytokine khiến cơ thể trở nên mệt mỏi. Các phân tử này tấn công nhiều cơ quan, bao gồm gan và phổi, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong.
Ở những bệnh nhân này, chính hệ miễn dịch chứ không phải virus là tác nhân làm tổn hại cơ thể.
Trong trường hợp của bệnh nhân 43 tuổi tại Pháp, ‘bão cytokine’ khiến các bác sĩ buộc phải sử dụng tocilizumab, một loại thuốc làm dịu hoạt động của hệ miễn dịch. Chỉ sau hai liều cách nhau 8 giờ, cơn sốt của người bệnh nhanh chóng thuyên giảm, nồng độ oxy tăng lên. Kết quả chụp lồng ngực cho thấy hình ảnh phổi rõ ràng hơn.
Báo cáo về ca bệnh được đăng tải trên tạp chí y khoa Annals of Oncology, với đóng góp nghiên cứu của các nhà khoa học Italy và Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý rằng tocilizumab có thể là phương thuốc hiệu quả để điều trị Covid-19 ở một số trường hợp cụ thể.
Ngày 5/3, Trung Quốc đã phê duyệt loại thuốc này cho các ca bệnh nghiêm trọng. Đến 23/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng chấp thuận cho công ty Roche thử nghiệm tocilizumab ở hàng trăm người nhiễm virus.
Thuốc được sử dụng để bất hoạt phân tử cytokine có tên gọi là interleukin-6, liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức.
"Đây là lý do căn bản để dùng loại thuốc này", tiến sĩ Laurence Albiges thuộc Trung tâm Ung thư Gustave Roussy ở Paris cho biết.
Bên cạnh nghiên cứu phương pháp điều trị, các nhà khoa học cũng cố gắng tìm hiểu lý do hệ thống miễn dịch của một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nguy hiểm trên.
Có nhiều biến thể của hiện tượng này. Yếu tố di truyền là câu trả lời cho các loại ‘bão cytokine’ riêng biệt. Tên gọi của chúng cũng khác nhau: hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS), hội chứng giải phóng cytokine, hội chứng thực bào máu, bệnh bạch cầu lymphohistiocytosis.
Tất cả đều đặc trưng bởi sự gia tăng không kiểm soát của các phân tử miễn dịch, có thể dẫn đến suy tạng, gây tử vong.
Song nhiều bác sĩ chưa quen thuộc với khái niệm này và không rõ cách thức điều trị.
Tiến sĩ Jessica Manson, chuyên gia miễn dịch tại Bệnh viện Đại học London cho biết: "Mọi người nói về cơn bão cytokine như một hiện tượng phổ biến, nhưng nếu bạn hỏi các bác sĩ vào hai tuần trước thôi, có thể họ sẽ không biết về nó".
Các chuyên gia tại một phòng thí nghiệm Pháp đang kiểm tra mẫu bệnh phẩm của những ca nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: AP |
Bệnh nhân mắc Hội chứng giải phóng cytokine có nhịp tim đập nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp. Nếu tiếp tục phát triển, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng hơn sau vài ngày. Nhưng nếu bác sĩ sớm nắm bắt và điều trị đúng cách, bệnh nhân có khả năng sống sót cao hơn.
Một biện pháp tương đối đơn giản và nhanh chóng để phát hiện người mắc Covid-19 có trải qua bão cytokine hay không, là xét nghiệm Ferritin. Đây là xét nghiệm máu thường thấy trong việc đo lường lượng sắt dự trữ của cơ thể.
"Nếu phản ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng tổn hại đến bệnh nhân, cần điều trị ngay lập tức", tiến sĩ Cron cho biết.
Song thực tế phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là khi các dữ liệu cho Covid-19 còn hạn chế. Ông Cron lưu ý, trong trường hợp nguy kịch, lợi ích của tocilizumab có thể vượt xa tác hại tiềm tàng.
"Chúng tôi cần dữ liệu dựa trên bằng chứng. Nhưng trong một đại dịch, chúng tôi vẫn phải điều trị cho các bệnh nhân trước mắt", ông nói.
Loại thuốc khác hiệu quả trong việc chế ngự cơn bão cytokine là anakinra mutes interleukin-1. Các thử nghiệm lâm sàng với anakinra đang được tiến hành. Bên cạnh đó, thuốc sốt rét hydroxychloroquine cũng cho thấy khả năng làm dịu phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.
Trong khi đó, một số bác sĩ bắt đầu chuyển sang dùng corticosteroid, có tác dụng làm giảm toàn bộ phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên liệu pháp này có mối nguy hiểm riêng, khiến cơ thể bệnh nhân dễ mắc các loại nhiễm trùng khác, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện.