Khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nhằm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và khai thác hiệu quả dư địa thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp phù hợp về chính sách tài khóa để góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó lưu ý đối với nội dung chi đầu tư cần tập trung có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục...
Ảnh minh họa |
Cùng với đó, Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương, các địa phương, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2023, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ giảm, giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp với tổng mức 233.000 tỷ đồng, đây là nguồn lực to lớn nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bứt phá và phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế môi trường trong xăng dầu, từ 4.000 đồng xuống còn 1.000 đồng, giúp giảm giá xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống còn 10%.
"Chính điều này đã giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp và giải quyết khó khăn giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch", ông Phớc cho biết.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chia sẻ còn những điểm nghẽn, tồn tại, những phát sinh mới mà ngành Tài chính chưa thể giải quyết dứt điểm được trong năm 2022.
Thứ nhất là một số vướng mắc về cơ chế chính sách của một số dự án, nội dung tháo gỡ cho sự phát triển. Thứ hai là vấn đề tồn tại của trái phiếu doanh nghiệp bung ra quá nóng và một số doanh nghiệp đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường. Thứ ba là giải ngân đầu tư công chậm do công tác chuẩn bị không được đầy đủ. Ba nút thắt này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ngoài ra, tác động của kinh tế thế giới như giá cả tăng cao và lạm phát cũng đã tác động đến quá trình phát triển.
Năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa, đặc biệt là dự toán ngân sách, chi ngân sách và dự toán thu ngân sách đã được Quốc hội phê chuẩn, tiếp tục hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế môi trường xăng dầu; giảm 30% tiền thuê đất và một số cơ chế chính sách khác để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; đồng thời đôn đốc giải ngân đầu tư công và bố trí những dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phát cho nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, Bộ Tài chính cũng sẽ tập trung ổn định thị trường chứng khoán. "Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ để sửa, ban hành Nghị định 65 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nguồn vốn và đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trở thành một kênh huy động vốn trung hạn một cách có hiệu quả, minh bạch hơn, đúng đắn hơn, chính xác hơn; đồng thời xây dựng sàn chứng khoán riêng tại sàn HNX của Hà Nội để tạo sự minh bạch trong quá trình giao dịch", ông Phớc nói.
Thứ ba là giữ được chỉ số CPI dưới 4%, nợ công đạt ở mức thấp 40 - 42% và bội chi ngân sách dưới 4% do Quốc hội giao.