Kết quả đo độ dày bùn sông Tô Lịch sau 2 tuần ứng dụng công nghệ mới
Cụ thể, bùn được các chuyên gia đo tại 3 điểm là B, C, D (điểm B cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m; điểm C cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m; điểm D cách cầu Hoàng Quốc Việt 210m). Độ dày của bùn tại điểm B trước khi lắp đặt công nghệ Nano – Bioreactor là 91,3cm và sau 2 tuần ứng dụng công nghệ là 72cm; điểm C trước khi lắp đặt là 96,7cm và sau 2 tuần là 76cm; điểm D trước khi lắp đặt là 87,7cm và sau 2 tuần là 79cm.
Tiến sĩ Kubo Jun (cố vấn Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản) cho hay: “Kết quả đo độ dày của bùn dưới sông Tô Lịch sau 2 tuần ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor nằm trong tính toán của chúng tôi. Qua đây, có thể thấy chuyển biến tích cực mà công nghệ đem lại cho dòng sông”.
Trong sáng 6-6, Tiến sĩ Kubo Jun đã lấy mẫu bùn dưới sông Tô Lịch tại 2 điểm là khu vực chưa lắp đặt và đang ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor để so sánh, đánh giá.
“Qua mắt thường có thể thấy, bùn lấy ở đáy sông, tại khu vực ứng dụng công nghệ Nano – Bioreactor đang phân hủy, nước trong hơn so với khu vực chưa ứng dụng công nghệ. Theo tính toán của chúng tôi, sau 2 tháng ứng dụng công nghệ, bùn sẽ tan, người dân có thể nhìn thấy cát đen dưới đáy sông”, Tiến sĩ Kubo Jun cho biết.
Theo Tiến sĩ Kubo Jun, qua cảm quan có thể thấy, tại khu vực lắp đặt công nghệ Nano - Bioreactor đã không còn mùi hôi, thối.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (phố Nguyễn Đình Hoàn) chia sẻ: “Tôi thấy tình trạng ô nhiễm của dòng sông đã giảm rõ rệt, không còn ngửi thấy mùi hôi, thối và nước sông trong hơn trước. Tin rằng, công nghệ mới này sẽ giúp dòng sông trong xanh, sạch hơn”.
Kết quả đo độ dày của bùn ở sông Tô Lịch. |
Tiến sĩ Kubo Jun lấy mẫu bùn, nước tại khu vực ứng dụng công nghệ mới. |
Tiến sĩ Kubo Jun kiểm tra bùn dưới sông. |
Mẫu bùn, nước chưa xử lý (bên trái), sau 3 tuần xử lý (bên phải). |
Tiến sĩ Kubo Jun so sánh, phân tích, đánh giá mẫu bùn ở 2 điểm. |