Hứng thú với dạy và học ngoài thực địa
Cách xử lý khi các con đánh nhau Thủ tướng: Dạy chữ đã quan trọng, dạy người càng quan trọng hơn Hà Nội công bố danh sách trường học có yếu tố nước ngoài |
Những giờ học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - P.H.C
Công văn 4612 của Bộ GD-ĐT về giao quyền tự chủ trong việc thực hiện chương trình, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS)... được chính các địa phương đánh giá đã phần nào giúp cho nhà trường dạy học theo hướng sáng tạo hơn.
Dạy học ở khu di tích, đồi chè, đồng muối…
Tại Hà Nội, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết từ chương trình khung của Bộ, trường đã tổ chức biên soạn, điều chỉnh thành một chương trình phù hợp và hiệu quả. Việc này được áp dụng từ năm 2014 đến nay và mỗi năm nhà trường liên tục xây dựng lại bằng cách thay đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn. Để tăng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế, trường có nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS ở làng nghề, học tập liên môn ở những quần thể di tích lịch sử như: Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bến tàu Không số... Đặc biệt, hằng năm HS có chuyến đi 3 ngày mang tên "hành trình tri ân" tại Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải... và quê Bác Hồ.
"Những chuyến đi ấy không phải là đi tham quan du lịch mà HS được trải nghiệm để học liên môn gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng...", ông Nhâm nói.
Mô hình “nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh” nghe có vẻ lạ lẫm nhưng đã khá quen thuộc với thầy trò ở Tuyên Quang. Đại diện Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho biết đã tổ chức thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường và mô hình nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương từ năm học 2013 - 2014 đến nay.
Sở GD-ĐT Lào Cai nhiều năm qua đã triển khai khá thành công một số mô hình trường học gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương, như: trường học gắn với trồng trọt sử dụng công nghệ cao; trường học du lịch; trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc…
Tại Ninh Bình, rất nhiều trường THCS và THPT cũng đang áp dụng thành công mô hình này và có những kết quả ngoài mong đợi. Trường THPT Yên Khánh A là một ví dụ. Ông Lê Văn Thuyết, hiệu trưởng nhà trường, cho biết chẳng hạn dự án nghiên cứu về hàng chục loại lan rừng thích nghi tốt với khí hậu Ninh Bình, bước đầu mang lại nguồn lợi kinh tế.
HS tỉnh Nam Định học trong những không gian mở, gắn với lịch sử, văn hóa, ngành nghề sản xuất kinh doanh tại địa phương. Chẳng hạn học lịch sử tại đền Trần; tìm hiểu kết cấu, kiến trúc Cầu Ngói, H.Hải Hậu; học tại cơ sở đúc đồng; học tại đồng muối…
Nhà trường có thêm kinh nghiệm
Lãnh đạo các sở GD-ĐT và trường trung học đều khẳng định điều dễ nhận thấy từ mô hình này là phát huy được tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy học. Lãnh đạo nhà trường có thêm kinh nghiệm, cơ sở lý luận và thực tiễn để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2019… Nhưng trên tất cả, cái được lớn nhất là HS tích cực học tập, được trải nghiệm, kỹ năng giao tiếp tốt hơn… Hầu hết HS hứng thú với hình thức học tập ngoài thực địa.
Nhiều ý kiến từ cơ sở cho rằng mặc dù việc vận dụng các giải pháp nêu trên có những kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng đã bộc lộ sự phát triển thiếu bền vững khi triển khai thực hiện trên diện rộng.
Tâm lý ngại thay đổi, thói quen, sức ỳ lớn của một bộ phận cán bộ giáo viên, chưa có động lực đổi mới; áp lực dạy học theo cách thức kiểm tra, thi cử hiện hành vẫn là rào cản thực hiện đổi mới phương pháp dạy học dẫn đến việc thực hiện đổi mới chưa được thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, không gian lớp học, số lượng HS trong một lớp quá đông gây trở ngại trong áp dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực.
Ông Hà Xuân Nhâm bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT có cơ chế khuyến khích về mặt tinh thần và thúc đẩy hỗ trợ về cơ sở pháp lý, như có thêm những văn bản cụ thể hóa đường hướng... giúp cho các nhà trường thực sự tự chủ hơn. Việc giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS còn cần đồng bộ giữa xu thế đổi mới giáo dục với cách thức kiểm tra đánh giá.