Hoãn phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương

Sáng 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình đã hoãn phiên xét xử phúc thẩm đối với bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo trong vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong.
Bộ Y tế kiến nghị chỉ xử phạt hành chính bác sĩ Hoàng Công Lương Phúc thẩm vụ chạy thận: Bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ còn một luật sư

Sáng 13/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm Vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phải hoãn do luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương có đơn đề nghị.

Cụ thể, tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình xét thấy người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương là Luật sư Hoàng Văn Hướng - Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội vắng mặt có đơn xin hoãn phiên tòa.

Từ đó, căn cứ vào điều 351, 352, 297 và 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Thời gian mở lại phiên tòa xét xử vụ án dự kiến vào ngày 12/6/2019.

tand tinh hoa binh hoan phien toa xet xu bac si hoang cong luong
Không chỉ Hoàng Công Lương, Bộ Y tế cũng nhận định việc kết tội nhiều bị cáo khác còn khiên cưỡng, yếu chứng lý. Ảnh: TP

Trước đó Tuổi trẻ và Pháp luật đã đưa tin, tính đến thời điểm 26/4/2019, đăng ký tham gia bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa phúc thẩm chỉ có một luật sư là ông Hoàng Văn Hướng thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, thuộc đoàn Luật sư TP Hà Nội. Đây là lần đầu luật sư Hướng tham gia bào chữa trong vụ án này.

Điều này khác với các phiên xử trước đó khi mỗi lần dự toà đều có nhiều nhiều luật sư bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Liên quan tới vụ án trên, ngày 10/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký công văn gửi TAND tỉnh Hòa Bình, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị xét xử phúc thẩm khách quan, công tâm, khoa học trong vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Công văn nhắc lại quá trình diễn ra sự việc, mức án toà sơ thẩm đã tuyên với từng bị cáo, trong đó có bị cáo Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, và cho rằng ngay sau khi toà tuyên án, dư luận xã hội trong và ngoài ngành Y tế đã thực sự bất ngờ, bàng hoàng, bất bình, dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước bản án này. Đa số các ý kiến phản đối đều cho rằng, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số bị cáo trong vụ án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh, oan sai...

Công văn nêu rõ, để xác định chính xác tội danh vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải xem xét, đánh giá dưới góc độ khoa học pháp lý về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan và các chứng cứ luận tội.Theo Bộ Y tế, ngày 13/5 tới, TAND tỉnh Hoà Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án trên. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế BV đa khoa tỉnh Hoà Bình trong vụ án này, cũng như cho cả ngành Y tế trong hiện tại và tương lai, trước khi phiên tòa phúc thẩm được xét xử, Bộ có văn bản kiến nghị về vụ việc trên, trong đó khẳng định "việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa bảo đảm khoa học pháp lý”.

Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo, từ tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, đến tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và trong phiên sơ thẩm đã tuyên tội danh vô ý làm chết người, cho thấy cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Ngay cả việc TAND thành phố Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội vô ý làm chết người cũng chưa phù hợp.

tand tinh hoa binh hoan phien toa xet xu bac si hoang cong luong
Bị cáo Hoàng Công Lương đến tòa sáng nay 13/5 - Ảnh: Danh Trọng

Theo "mổ xẻ" của Bộ Y tế, vì vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước, hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra (vô ý ở đây là vô ý vì quá tự tin, hoặc vô ý vì cẩu thả).

Cũng theo Bộ này, bản án cho rằng bị cáo Lương "ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn, mà đã ra y lênh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả. Xác định lỗi vô ý do cẩu thả" là chưa phù hợp với hành vi khách quan của của tội danh này, vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân. "Từ các phân tích trên cho thấy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội vô ý làm chết người là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan", công văn của Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế còn cho rằng tòa buộc tội bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc) và Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc) thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là “khiên cưỡng, yếu chứng lý”.

Theo Bộ Y tế, trách nhiệm của người đứng đầu BV có thể được đặt ra, nhưng tính chất mức độ đến đâu thì phải chứng minh được mối quan hệ từ hành vi của hai bị cáo dẫn đến hậu quả vụ án. Tuy nhiên, để xảy ra sự cố chết người, trách nhiệm chính thuộc về các bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn với lỗi vô ý.

Tương tự, bộ này cũng nhận định việc cáo buộc Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể cũng như hành vi vi phạm.

Linh Anh (t/h)
Phiên bản di động