Hoa Kỳ đạt nhiều thành tựu trong việc hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper: "Hà Nội mùa này là mùa đẹp nhất" Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận 10 hiện vật do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả |
Hơn 160.000 người ở Việt Nam đang được cấp thuốc ARV
Sáng 9/5, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức kỷ niệm 20 năm Chương trình PEPFAR tại Việt Nam. Theo báo cáo, Chính phủ Hoa Kỳ khởi động Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống AIDS (PEPFAR) vào năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á nhận được hỗ trợ. Là một nước trọng điểm trong giai đoạn đầu của PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với ngân sách hàng năm tăng từ 18 triệu đôla năm 2004 lên 98 triệu đôla vào năm 2010.
PEPFAR đã mua phần lớn các loại thuốc và vật phẩm y tế cho HIV, bao gồm thuốc kháng virus (ARV) và methadone; đẩy nhanh các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở y tế, trong đó có đầu tư vào nguồn nhân lực; hỗ trợ kỹ thuật về chính sách, kế hoạch, triển khai và đánh giá; và xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân cho việc cung cấp các dịch vụ và hàng hóa liên quan đến HIV ngoài các cơ sở của nhà nước.
Kể từ đó, hơn 160.000 người ở Việt Nam đang được cấp thuốc ARV trong số khoảng 240.000 người nhiễm HIV trên toàn quốc. Chương trình PEPFAR Việt Nam hỗ trợ xây dựng một ứng phó quốc gia về HIV bền vững, có tác động cao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu toàn cầu của UNAIDS nhằm kiểm soát dịch HIV. Từ năm 2015, ngân sách trung bình hàng năm của PEPFAR danh cho Việt Nam là 40 triệu đôla.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
98% bệnh nhân được PEPFAR hỗ trợ điều trị HIV đã đạt được ngưỡng ức chế virut
Chương trình PEPFAR hiện tại tập trung đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu 95-95-95 tại 11 tỉnh, thành phố có sự hỗ trợ của PEPFAR tại Vùng kinh tế phía Bắc và vùng Đô thị thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo chuyển đổi bền vững trách nhiệm chính về tài chính, hành chính và kỹ thuật của các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV cho Chính phủ Việt Nam, ứng phó với các điểm nóng mới nổi về HIV trên toàn quốc thông qua sáng kiến đáp ứng nhóm y tế công cộng (PHCR). T
Trong năm 2022, chương trình PEPFAR Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật giúp thu dung 8,856 bệnh nhân vào điều trị ARV mới, điều trị 90,630 bệnh nhân và giúp đạt ngưỡng ức chế virút 98,8% tại 11 tỉnh, thành phố thuộc Khu kinh tế phía Bắc và Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Chương trình PEPFAR phát biểu |
PEPFAR đã thiết lập mối quan hệ hợp tác đối tác bền chặt với Bộ Y tế và các đối tác liên quan khác để xây dựng lòng tin và nền tảng mạnh mẽ cho lĩnh vực ngoại giao y tế. PEPFAR cam kết giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của UNAIDS là 95-95-95 (tức là 95% số người nhiễm HIV được chẩn đoán, 95% trong số này được điều trị bằng thuốc kháng virút (ARV) và 95% số người được điều trị ARV đạt được ngưỡng ức chế virút).
Thông qua sự hợp tác thành công giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ ức chế virút cao nhất được báo cáo trong các chương trình do PEPFAR hỗ trợ trên toàn cầu: 98% bệnh nhân được PEPFAR hỗ trợ điều trị HIV đã đạt được ngưỡng ức chế virut, có nghĩa là sức khỏe của họ được bảo vệ và họ không thể truyền HIV cho bạn tình của mình.
PEPFAR cũng hợp tác và hỗ trợ quá trình Chính phủ Việt Nam dần tự chủ thực hiện ứng phó với HIV, đồng thời có sự tham gia chiến lược của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự để đưa các dịch vụ HIV đến gần hơn với cộng đồng và thúc đẩy năng lực của họ. Chính phủ Việt Nam đã chịu trách nhiệm chi phí và quản lý nhiều cấu phần trong danh mục điều trị HIV, bao gồm cả việc chi trả cho tất cả các dịch vụ và thuốc điều trị HIV. Tính đến cuối năm tài chính 2022, PEPFAR tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đưa hơn 144.000 bệnh nhân điều trị ARV theo hình thức bảo hiểm y tế xã hội, trong đó có 80.000 bệnh nhân dung thuốc TLD.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.
Một số ưu tiên khác bao gồm mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh thụ hưởng trong chiến lược đáp ứng y tế công cộng để có đầy đủ các bằng chứng nhằm đưa ra các can thiệp phù hợp. Ngoài ra đứng trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới, Bộ trưởng Y tế đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này.