Hết năm 2020, loạt “ông lớn” doanh nghiệp phải thoái vốn Nhà nước
Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm 8 tháng, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thu về hơn 6.300 tỷ đồng |
Theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trước 31/12/2020 gồm: Tổng công ty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội -CTCP (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Bộ Xây dựng); Tông công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO, Bộ Xây dựng).
Tổng công ty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng). |
Doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8/2020 gồm 14 doanh nghiệp: Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp Việt Nam (Bộ Công thương), Công ty CP Xây dựng và Nhập khẩu Tổng hợp (Bộ Công thương), Công ty CP Nông thổ sản Việt Nam (Bộ Công thương), Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công thương), Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)…
Cũng theo phê duyệt của Thủ tướng, có 18 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể.
Bên cạnh đó, danh mục doanh nghiệp dừng thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025 gồm: 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước chưa thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 và 15 doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực khác.
Việc thoái vốn của các doanh nghiệp thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP HCM, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp chưa được liệt kê tại Quyết định này thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định 908/QĐ-TTg nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tiến độ và tỷ lệ đã được phê duyệt theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về đề xuất thoái vốn và kết quả thực hiện.
Mới đây, trong văn bản báo cáo Quốc hội về tình hình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020 là 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng.
Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.783 tỷ đồng, thu về 9.185 tỷ đồng. Cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco) tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.597 tỷ đồng, thu về 52.266 tỷ đồng.
Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ- TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).