Hạnh phúc giản dị của nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần
“Cú sốc” đầu tiên
9h sáng một ngày tháng 10/2022 tại Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai. Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Huy và đồng nghiệp đang chuẩn bị thiết bị để điện não đồ cho bệnh nhân thì bỗng nhiên, cửa bật mở. Một người đàn ông từ ngoài lao vào phòng, xông đến, rồi hét to, chân tay khua khoắng, định đập phá đồ đạc. Ngay lập tức, lực lượng bảo vệ có mặt và áp chế người này và đưa ra ngoài. Chứng kiến cảnh đó, trong khi tôi thì sợ hãi, mặt không còn giọt máu, nhưng 2 điều dưỡng viên của Viện thì bình thản đến lạ. “Đối với chúng tôi, những cảnh này là “chuyện thường ngày ở huyện” chị ạ. Họ là bệnh nhân, không ý thức được việc mình vừa làm đâu. Khi tỉnh lại, họ lại xin lỗi luôn. Thương lắm!” – nữ điều dưỡng Phương Huy nói với tôi.
Nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội), hàng ngày, chị Phương Huy đi và về cả thảy 60 km. Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn, ham học hỏi và đặc biệt là sự tận tình hiếm thấy, chị trở thành điều dưỡng viên mà nhiều bệnh nhân "biết mặt, đặt tên” nhất của Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai. Với một điều dưỡng thông thường đã vất vả, nhưng với đặc thù công việc ở một đơn vị điều trị cho bệnh nhân tâm thần thì công việc điều dưỡng lại nhiều khó khăn gấp bội.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Huy chuẩn bi điện não cho bệnh nhân |
Chị Huy nhớ mãi những ngày đầu mới ra trường, cách đây gần 20 năm, khi chị về “đầu quân” tại Bệnh viện. Hôm đó là ngày mùng 3 Tết năm 2005, đúng buổi trực của chị, do có một bệnh nhân tâm thần nữ vô gia cư được công an đưa vào viện. Ở đây, bệnh nhân nằm viện bắt buộc phải có người nhà, nên chị Huy nhận nhiệm vụ áp tải bệnh nhân lên xe đưa về bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Lúc này do kinh nghiệm còn non nớt, lại thiếu kỹ năng xử lý tình huống, chị vào ngồi chung xe với bệnh nhân không được cố định chân tay. Vừa ngồi vào xe, bệnh nhân hùng hổ xông vào tát chị và đánh, giật tóc,... Vừa sợ hãi vừa đau, chị trở về nhà với khuôn mặt, chân tay xưng tím. “Cú sốc” đầu tiên đó khiến chị có ý định bỏ việc. Nhưng khi định thần ngẫm lại, chị nhận ra, người phụ nữ đó làm vậy vì họ là bệnh nhân và hoàn toàn không ý thức được hành vi. Họ mới chính là người cần ở mình sự chăm sóc, yêu thương, vỗ về. Cũng từ đó trở đi, cô gái ấy đã luôn đặt tình yêu thương lên trên hết, như là “kim chỉ nam” của mình trong công việc chăm sóc người bệnh hàng ngày.
“Chỉ cần bệnh nhân nhớ tên mình”
Mới đó mà cũng đã gần 20 năm, với chị Huy và những điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần, nỗi vất vả trong nghề y là khó tránh khỏi, song niềm hạnh phúc của họ đôi khi lại bắt nguồn từ những điều vô cùng nhỏ nhoi. Đó có thể là cái ôm bất ngờ của người bệnh tâm thần sau 10 năm gặp lại, mà họ vẫn nhớ tên người chăm sóc. “Cách đây 2 hôm, khi tôi đang đi kiểm tra các phòng thì có bệnh nhân nữ chạy lại ôm chầm và nói: “Có phải cô Huy không? Chị điều trị ở đây 10 năm trước mà, lúc đó điều dưỡng Huy chăm chỉ mà”. Đó là một bệnh nhân ở Hà Nam mà tôi rất nhớ bởi mỗi lần lấy ven cho chị ấy rất khó. Thủ thỉ cũng có, quát mắng cũng có nhưng bệnh nhân đều bất hợp tác. Có khi, chúng tôi phải đè cả lên người, trùm chăn che mắt chị ấy để tiêm. Vậy mà chị ấy vẫn nhớ tên tôi, mặc dù, là chị là bệnh nhân tâm thần” – chị Huy xúc động kể.
Chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân là một phần công việc của chị Huy cùng đồng nghiệp |
Gắn bó với công việc đã lâu, chứng kiến biết bao bệnh nhân nhập viện rồi ra viện, nữ điều dưỡng Huy không khỏi chạnh lòng khi rất nhiều bệnh nhân tâm thần tái phát và phải tái nhập viện. Vậy nên, mới đây thôi, khi chị nhận được dòng tin nhắn của một bệnh nhân: “Cháu đã khỏi rồi. Khi nào cháu cưới, nhất định cô phải về dự với cháu nhé”, chị Huy vui đến trào nước mắt. Trong ký ức của chị Huy, đó là một cô bé đang học cấp III mắc bệnh rối loạn phân ly. Nhà chỉ có 2 mẹ con, cô bé được nuông chiều. Trong một lần cãi nhau với mẹ, cô bé ấy đột ngột bị câm. Gia đình đã đưa em chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Khi đưa vào bệnh viện và trải qua quá trình điều trị dưới sự tận tình của ê kíp bác sĩ, điều dưỡng, em đã cất tiếng nói trở lại và bình phục hoàn toàn. Với chị Huy, những kỷ niệm ấy chính là niềm vui nho nhỏ được các chị gom góp lại, gói ghém, trở thành động lực giúp họ vượt qua khó khăn, áp lực, nỗi sợ hãi mỗi khi bệnh nhân lên cơn quá khích, chửi bới, đe dọa, để cảm thấy vững tâm và hạnh phúc hơn với con đường mình đã chọn.
Không chỉ tận tình chăm sóc bệnh nhân, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Huy còn là người ham học hỏi. Cũng bởi vậy, chị được giao nhiệm vụ quản lý sinh viên thực tập hơn 10 năm nay. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận các lứa sinh viên tới vài trăm người, chị Huy lại trực tiếp phân công, xếp lịch trực và đào tạo. Ngoài ra, chị chủ động làm nghiên cứu khoa học, viết sách, viết báo cáo chuyên môn… Liên tục nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của Viện và Bộ Y tế, song điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Huy vẫn khiêm tốn, tự thấy cần phải cố gắng hơn nữa trong việc chăm sóc người bệnh.
Nữ điều dưỡng luôn cảm thấy hạnh phúc vì bệnh nhân nhớ đến mình |
Trong con mắt của đồng nghiệp trẻ, Huy như người “chị cả”. “Đặc thù công việc phải trực theo ca kíp, thu nhập của ngành y thì thấp, nhà thì xa nhưng chưa bao giờ em thấy chị ấy kêu than một lời mà luôn luôn động viên chúng em: Người khỏe thì chẳng ai cần đến mình. Chỉ người bệnh mới cần nên chúng ta phải thấy công việc của mình là vô cùng ý nghĩa” – một nữ đồng nghiệp trẻ nhận xét về chị Huy.
Chia sẻ với phóng viên về nghề điều dưỡng, chị Huy tâm sự: “Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự thì không nên chọn nghề này. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, áp lực không nhỏ là nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng tôi sẽ không bao giờ chùn bước. Với tôi, nghề điều dưỡng là một công việc cao cả. Tôi được tiếp xúc, được chăm sóc, được trao đi niềm yêu thương, đổi lại, bệnh nhân mang đến cho tôi nụ cười, hạnh phúc mỗi khi khỏi bệnh. Nhờ vậy, tôi thấy công việc mình đã chọn và nguyện sẽ luôn sống hết mình vì nghề”.