Hàng loạt sai phạm của Công ty than Thanh Hóa - Bài 6: Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, cuối tháng 2/2020 vừa qua, các cơ sở chế biến, kinh doanh than tại các huyện Tĩnh Gia, TP Thanh Hóa và Thị xã Bỉm Sơn của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa đã bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa "sờ gáy" để “lộ rõ” ra nhiều vi phạm nghiêm trọng về công tác chấp hành đất đai cũng như hồ sơ về môi trường.
Cơ sở sản xuất than của Công ty than Thanh Hóa tại Lễ Môn, TP Thanh Hóa đến nay vẫn vô tư hoạt động thách thức pháp luật, gây ô nhiễm môi trường dù đã có chỉ đạo dừng hoạt động của cơ quan chức năng. |
Cụ thể: Tại Cơ sở chế biến than tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Theo hồ sơ của PV có được, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa có Hợp đồng thuê đất số 299/HĐTĐ ngày 25/8/2017, diện tích thuê 5.064,5m2, mục đích cho thuê làm văn phòng giao dịch kết hợp bãi tập kết xe.
Tuy nhiên, Công ty đang tập kết sản phẩm ngoài than (SP thừa sau khi chế biến than) với tổng khối lượng khoảng 1.000 tấn. Hiện trạng khu đất có 01 nhà ở, nhà điều hành, khu vực tập kết sản phẩm ngoài than và sân đường nội bộ. Thiết bị sản xuất gồm có 01 dây chuyền sàng, tuyển sản phẩm ngoài than, công suất khoảng 15-20 tấn/ngày.
Qua kiểm tra, cơ quan chức đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa dừng ngay hoạt động tập kết các sản phẩm ngoài than, sử dụng đất đúng mục đích cho thuê, lập hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với dự án văn phòng giao dịch kết hợp bãi tập kết xe, đầu tư và thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
Trụ sở công ty kinh doanh Than Thanh Hóa. |
Tiếp đến là cơ sở chế biến than tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa dừng ngay hoạt động chế biến, kinh doanh than tại vị trí nêu trên kể từ ngày 27/02/2020 (do hết thời hạn thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích, không có hồ sơ về bảo vệ môi trường, chưa đầu tư đầy đủ các công trình và các biện pháp xử lý chất thải...).
Còn tại cơ sở chế biến than số 1, 2 Lễ Môn tại phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã yêu cầu Công ty kinh doanh than Thanh Hóa: Dừng ngay hoạt động chế biến than do sử dụng đất không đúng mục đích, không có hoạt động chế biến than trong nội dung hồ sơ môi trường. Đối với hoạt động kinh doanh kho bãi, bốc xúc than, yêu cầu rà soát lại hợp đồng thuê kho bãi với Hợp tác xã thương binh Lam Sơn để xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác bảo vệ môi trường; gia cố bờ bao phía tiếp giáp Sông Mã để giảm thiểu than rơi vãi xuống sông; cải tạo tuyến mương thoát nước thải sinh hoạt, nước mặt đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
Ngoài những cơ sở chế biến trên, Công ty kinh doanh than Thanh Hóa còn một cơ sở khác tại xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa. Doanh nghiệp này đã ngang nhiên biến toàn bộ diện tích đất được thuê làm bãi tập kết cát thành bãi tập kết than trong nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật... |
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Theo phản ánh của cơ quan báo chí hiện tại có 3 cơ sở kinh doanh, chế biến than của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa đang có những tồn tại trong việc sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường. Hiện 2 cơ sở tại huyện Tĩnh Gia và Thị xã Bỉm Sơn chúng tôi đã ra quyết định xử phạt, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp khôi phục lại hiện trạng ban đầu và sử dụng đúng mục đích đất đã được giao. Còn cơ sở tại Cảng Lễ Môn hiện đang xác minh thêm thì mới đưa ra quyết định cuối cùng”.
Trước những vi phạm nêu trên có thể thấy, việc vi phạm nghiêm trọng về đất đai và môi trường của Công ty kinh doanh than Thanh Hóa là đã rõ. Thế nhưng, doanh nghiệp này vẫn không bị xử lý khiến dư luận hoài nghi về năng lực quản lý yếu kém của chính quyền sở tại.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai trên phạm vi cả nước. Đồng thời phải xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để tình trạng buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn... Cụ thể, chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc quản lý sử dụng đất đai ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước đi vào nề nếp, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và bất cập trong quy hoạch, sử dụng làm thất thoát, trong đó có đất nông nghiệp, đất rừng và đất quốc phòng… Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật... |