Hàng hóa ế ẩm, lao động tự do ngồi buồn... chờ Tết đến
Không lo tăng giá, “sốt hàng” dịp Tết |
“Tăng ca”… nhưng không có khách
Ế khách là tình trạng chung của những tài xế chạy xe ôm dịp cuối năm. Dọc các tuyến phố trên TP. Hà Nội, không khó để bắt gặp tình trạng những tài xế xe ôm dựng xe đứng chờ khách.
Lâm Văn Bảng (quê ở Hải Dương) - tài xế xe công nghệ được 2 năm nay. Ảnh: K.Vân |
Ngồi trên đường An Dương Vương bật ứng dụng chờ khách, Lâm Văn Bảng (21 tuổi, quê ở Hải Dương) cho biết - bản thân đã chạy xe ôm công nghệ được 2 năm nhưng chưa thấy năm nào ế khách như năm nay. Thời điểm này so với những năm trước chỉ muốn “phân thân” để làm cho kịp, năm nay có lẽ ngồi một chỗ chơi dài.
Chung tình trạng với Lê Văn Bảng, anh Trần Quang Lý (26 tuổi, quê ở Phú Thọ) cũng ngậm ngùi. Anh Lý lên Hà Nội làm tài xế lái xe ôm đã được 4 năm. Thời gian đầu mới chạy xe, anh thu về được khoảng 1 triệu đồng/ngày nếu chạy hết công suất. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, thu nhập của anh càng ngày càng giảm sút - nhất là những đợt dịch COVID-19 bùng phát và bắt đầu có những ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Anh Trần Quang Lý phải "tăng ca" tới đêm muộn vì vắng khách. Ảnh: K. Vân |
"Hiện dịch cũng lắng xuống nhưng thời tiết Hà Nội trở rét, khách hạn chế ra đường nên đội xe ôm chúng tôi đa số chỉ trông chờ vào những đơn ship hàng cho khách" - anh Lý nói.
Vắng khách nên thay vì về sớm như mọi ngày, những ngày cuối năm, anh Lý thường "tăng ca" đến tối muộn mới dám về nhà. "Vì nếu không "tăng ca", Tết năm nay sẽ khó mà no đủ" - anh Lý cho biết.
Tết về, trăm thứ cần lo
Tết với nhiều người dường như là quãng thời gian để nghỉ ngơi, để trở về với gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Thế nhưng, tết với người lao động nghèo là những nỗi lo toan xoay quanh “cơm áo gạo tiền”.
Ngao ngán trước tình trạng vắng khách, 11h30, chị Doãn Thị Trang (ở Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội) đẩy vội chiếc xe chở dừa trong tiết trời rét buốt. Chị Trang lên Hà Nội mưu sinh đã 5 năm nay.
Do hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày, chị Trang phải thức dậy từ lúc hơn 5h, lấy hàng về bán sau đó đó đẩy xe đến từng ngõ ngách trong thành phố để bán dừa.
Chị Doãn Thị Trang cho hay, để tiết kiệm tiền cho những ngày cuối năm, chị thường ăn cơm ở những quán cơm từ thiện cho người lao động nghèo vì chi phí rẻ lại đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: K.Vân |
“Tết năm nào tôi cũng tranh thủ thời gian để về quê với gia đình. Những ngày cuối năm, tôi phải quần quật làm việc cả ngày thì mới có thêm được ít tiền mua đồ cúng trong 3 ngày tết. Gia cảnh khó khăn, nên không mua sắm được đầy đủ, nhưng cũng phải bớt lại chút ít để mua vài cân thịt cho cả gia đình” - chị Trang xúc động nói.
Làm lụng, chắt chiu quanh năm cũng chỉ mong mấy bữa tết đỡ chật vật. Thế mà, tết đến có cả trăm nỗi lo, nỗi lo về kinh tế, tiền để tiêu pha trong tết, tiền cho con ăn học, về quê cũng phải mua vài bộ quần áo cho ông bà… Chính vì thế, trong khi nhiều người mong tết để được nghỉ ngơi, sum vầy thì cũng có không ít người chẳng hề muốn tết đến chút nào.
Trên phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cô Vũ Thị Hiên đứng co ro bên gánh hàng hoa của mình, thỉnh thoảng cô lại xịt nước lên hoa để chúng không bị héo. Khi nhắc đến Tết, cô chỉ biết thở dài: “Tết năm nay không biết xoay đâu ra tiền để lo cho cả gia đình”.
Cô Vũ Thị Hiên mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 nghìn từ việc bán hoa, những ngày cuối năm cô thường đi làm từ 3h sáng và 10h tối mới về nhà. Ảnh: K. Vân |
Nỗi lo của chị Trang, cô Hiên cũng chính là nỗi lo chung của những người lao động nghèo nhập cư vào TP. Hà Nội buôn bán hàng rong. Bởi do tính chất công việc bấp bênh, không có thu nhập ổn định. Tết lại không có khoản tiền thưởng nên tết về, những người lao động tự do khó khăn lại chồng chất khó khăn.