Hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối!
Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không để xảy ra bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả |
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ giữa năm 2022, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu "sôi động" trở lại.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi.
Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh: Thứ nhất là thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm. Thứ hai là chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thứ ba là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
Đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, ông Trần Hữu Linh cho biết, trong khoảng một năm trở lại đây, cơ quan Quản lý thị trường liên tiếp nhận được yêu cầu, những vấn đề thắc mắc cũng như đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Hoạt động kiểm tra phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda. |
“Ngay cả đồ chơi trẻ em của một hãng rất nổi tiếng trên thế giới đó là Lego của Đan Mạch trong tháng qua cũng đã làm việc với chúng tôi hai lần về việc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam”, ông Trần Hữu Linh dẫn chứng.
Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, ông Trần Hữu Linh cho biết, hàng giả cũng được sản xuất trực tiếp ở trong thị trường nội địa rất nhiều. Những mặt hàng của Việt Nam, thậm chí là những mặt hàng liên quan đến đồ ăn, thức uống đều được sản xuất, làm giả, làm nhái ở trong thị trường nội địa.
“Qua đấy chúng ta thấy rằng thương hiệu, nhãn hiệu được làm giả ngày càng tinh vi hơn”, ông Trần Hữu Linh đánh giá.
Liên quan đến về sản phẩm bị làm giả, ông Trần Hữu Linh nhận định, ngày xưa thường hay thấy hàng giả xảy ra nhiều về quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng rất tinh vi như thực phẩm chức năng cũng bị làm giả.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. |
Nhằm chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Linh cho biết, thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu.
Một là, triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả.
Hai là, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet.
Ba là, tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội.
"Chúng tôi xin khẳng định, việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng Quản lý thị trường từ nay đến năm 2025", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, trong 3 năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường đã có cách tổ chức để chống hàng giả là xây dựng những tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Trong địa bàn có những tụ điểm nào nổi cộm về hàng giả thì ưu tiên xử lý những tụ điểm ấy trước.
Ông Linh dẫn chứng, chúng ta đều biết ở Hà Nội có một thời gian rất dài ở khu vực Hoàn Kiếm, xung quanh Bờ Hồ, Hàng Gai, Hàng Bông, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… bán hàng giả rất nhiều và khách mua là những người du lịch trong nước và nước ngoài.
"Hiện tại, chúng ta có thể thấy tỷ lệ bán hàng giả ở những tuyến chúng tôi gọi là địa bàn nổi cộm đã giảm đi rất nhiều. Hay trong TP HCM, ở tuyến quận 1, trung tâm như chợ Bến Thành hay Saigon Square… lực lượng cũng thường xuyên, liên tục tăng cường việc kiểm tra, xử phạt", ông Linh chia sẻ.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho rằng, để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn cần phải quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa, bởi vì việc đi kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường hay các lực lượng chức năng như công an hay hải quan… chỉ là phần ngọn, khi thấy có dấu hiệu thì đi kiểm tra.
Bên cạnh đó, các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng là người mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này.