Hải Dương: Xâm phạm khu di tích quốc gia đặc biệt - Sai phạm từ buông lỏng quản lý?
Bụi - Nỗi ám ảnh của người dân
Theo phản ánh của người dân thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), nhiều năm qua, trên địa bàn tồn tại bãi tập kết vật liệu không phép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Điều đáng nói, bãi vật liệu này nằm trong phạm vi của khu di tích quốc gia đặc biệt là Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nhưng không được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý một cách triệt để.
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016. |
Có mặt trực tiếp và ghi nhận hiện trạng của khu vực này vào các thời điểm tháng 4 và tháng 6/2022 cho thấy, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Bãi vật liệu này là một khu đất trống nằm ngay sát di tích quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Từ trên cao nhìn xuống, bãi xỉ thải không hề được che bạt.
Đặc biệt, bãi xỉ thải này nằm ngay sát bờ sông Kinh Thầy nên nước thải từ bãi vô tư chảy thẳng xuống dòng sông. Điều đáng nói, sông Kinh Thầy là con sông chính, cung cấp nước cho hệ thống thủy lợi của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Một người dân sinh sống tại khu vực này bức xúc: “Xe tải cứ tấp nập ngày cũng như đêm chở vào rồi chở ra. Họ chạy ầm ầm, bụi mù mịt. Nhà cửa, cây cối khu vực này bị che phủ bởi những lớp bụi dày, đen kịt, sao mà sống được.
Từ vài năm trở lại đây người dân chúng tôi khốn khổ vì bãi chứa vật liệu này. Mỗi khi có gió, bụi từ bãi tro xỉ này cuồn cuộn bay tứ tung, tạt vào nhà dân và khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Chúng tôi nhiều lần ý kiến lên phường nhưng không có phản hồi gì. Khổ lắm".
Bên cạnh đó, nhiều người dân cho biết thêm, xe của công ty Quyền Phúc lấy chất thải từ công ty Hòa Phát chở về đây tập kết.
Tại đây, họ sàng lọc để tách quặng và chất thải. Quặng thì được chở ngược lại vào nhà máy Hòa Phát, còn chất thải kia thì đem đi san lấp.
"Với giá thành rẻ nên nhiều người tại khu vực này khi có nhu cầu san lấp thì gọi họ chở tới. Ban đầu, thì mặt bằng chặt, sạch nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, mặt bằng khu đó giãn nở, phồng hết lên khiến mặt bê tông hay gạch phía trên bị bửa, vỡ. Điều đáng quan ngại hơn là thực vật và động vật như cá ở khu vực đó chết hết", một người dân sống tại đây cho biết thêm.
Trong những ngày thực tế tại khu vực, phóng viên ghi nhận hàng chục xe tải trọng lớn ra, vào tấp nập tại bãi vật liệu này. Nhiều xe che chắn sơ sài, để vật liệu rơi vãi dọc đường đi khiến những tuyến đường đi qua nhuốm màu đen kịt.
Bãi tập kết không phép ngang nhiên hoạt động
Ông Phạm Văn Đậu, Chủ tịch UBND phường Phạm Thái, huyện Kinh Môn cho biết, bãi tập kết vật liệu này tồn tại đã lâu do yếu tố... lịch sử.
Theo đó, từ năm 2015, các ông Lưu Văn Sửu và ông Lưu Văn Thành được UBND xã Phạm Mệnh (nay là UBND phường Phạm Thái) cho đấu thầu diện tích 41.598m2 tại khu vực Núi Vộng, thuộc khu dân cư Lĩnh Đông, phường Phạm Thái để trồng cây lâu năm và làm bến bãi.
Tuy nhiên, các ông Lưu Văn Thành và Lưu Văn Sửu sau đó lại tự ý cho Công ty TNHH Quyền Phúc thuê đất để kinh doanh xỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước kiến nghị của người dân và chỉ đạo của UBND thị xã Kinh Môn, ngày 22/2/2022, UBND phường Phạm Thái có văn bản yêu cầu dừng hoạt động và tự giải tỏa nguyên vật liệu, trả lại đất cho địa phương.
Văn bản này cho biết: Diện tích đất 41.598m2 đất giao khoán cho các ông Lưu Văn Thành và Lưu Văn Sửu đã hết thời hạn. Các ông này đã tự ý cho Công ty TNHH Quyền Phúc thuê lại.
Ngày 29/12/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hải Dương đã làm rõ Công ty TNHH Quyền Phúc không có hồ sơ thuê đất của các cấp có thẩm quyền để hoạt động kinh doanh nên công ty không được phép hoạt động.
UBND phường Phạm Thái còn nêu rõ khu đất này nằm trong khu vực quy hoạch bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (di tích quốc gia đặc biệt) và yêu cầu trước ngày 1/3/2022 các tổ chức, cá nhân phải di chuyển toàn bộ bãi vật liệu trái phép khỏi khu đất, trả lại phần đất công ích cho UBND phường.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2022, mọi hoạt động của bãi vật liệu không phép vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn có biểu hiện tăng thêm khối lượng tro xỉ tập kết.
Tiếp tục đôn đốc việc di chuyển vật liệu, máy móc ra khỏi bến bãi không phép, UBND phường Phạm Thái đã gửi báo cáo lên UBND thị xã Kinh Môn nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Yêu cầu hoàn trả mặt bằng sạch?
Trước những thông tin phản ánh từ báo Tuổi trẻ Thủ đô, UBND thị xã Kinh Môn bước đầu yêu cầu doanh nghiệp di dời bãi thải, hoàn trả mặt bằng.
Ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết: Thông tin của báo Tuổi trẻ Thủ đô tới UBND thị xã về việc tập kết chất thải trong phạm vi di tích quốc gia đặc biệt là có thật.
"Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và xác định bãi tập kết chất thải trong phạm vi của di tích quốc gia đặc biệt. Chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu công ty phải di dời chất thải ngay và cũng đồng ý để họ di chuyển xong trước ngày 15/6".
Khi được hỏi về việc xác định nguồn gốc chất thải cũng như chất thải có nguy hại hay không thì ông San cho rằng, việc xác định chất thải có nguy hại hay không là việc của các cơ quan chức năng và chúng tôi cũng không xác định được nguồn gốc của chất thải đó.
Liên quan đến vấn đề hoàn trả hiện trạng ban đầu, ông San cho biết, đơn vị đó sẽ di dời các đống vật liệu chứ không di dời phần vật liệu san lấp tạo mặt bằng bến bãi.
Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, đơn vị đó di dời các đống vật liệu chứ không di dời phần vật liệu san lấp tạo mặt bằng bến bãi. Điều này khiến dư luận hoài nghi rằng có hay không việc tạo điều kiện cho sai phạm của đơn vị này? |
Phía phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Kinh Môn cho biết: Việc tập kết chất thải, máy móc nằm hoàn toàn trong vùng 2 của khu di tích. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu Điều 20 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt từ các hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đến các hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng trái phép di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Từ đó, tham mưu cho lãnh đạo về việc xử phạt đối với hành vi tập kết trái phép tại khu di tích này. Mức xử phạt có thể được áp dụng là phạt từ 40.000.000 đồng - 50.000.000 đồng.