Hải Dương: Ngang nhiên tập kết phế liệu trên đất dự án tiềm ẩn nguy cơ cháy

Những điểm tập kết, thu mua phế liệu luôn có nhiều vật liệu dễ cháy tuy nhiên việc sắp xếp, quản lý an toàn tại các cơ sở này lại rất lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hải Dương: Khởi tố vụ án trộm hơn 5,5 tấn nhôm phế liệu của công ty đem tiêu thụ

Hải Dương: Tạm giam thầy giáo nhiều lần xâm hại thân thể 2 nữ sinh trong giờ học Hải Dương: Triệt phá ổ nhóm Mua bán trái phép hóa đơn hoạt động liên tỉnh

Đã có tiền lệ

Vụ cháy ở Công ty TNHH Hồng Ngọc hồi đầu tháng 4/2022

Thời gian qua, trên địa tỉnh Hải Dương đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến các cơ sở tập kết phế liệu. Cụ thể, đầu tháng 4/2022, một vụ cháy đã xảy ra tại bãi tập kết phế liệu của Công ty TNHH Hồng Ngọc trên địa bàn thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Cơ sở này tập kết nhiều vật liệu dễ cháy như vải vụn, nylon, bìa carton, đám cháy đã nhanh chóng lan rộng và thiêu rụi hoàn toàn bãi tập kết khoảng 9.000m2. Vụ cháy đã gây thiệt hại khá nặng về kinh tế, đến nay, vẫn đang được Công an huyện Nam Sách thụ lý mà chưa tìm ra nguyên nhân.

Trước đó, tháng 2/2015, Công ty này cũng đã từng để xảy ra vụ cháy lớn tương tự và nguyên nhân được xác định là do chập điện.

Mặc dù đã có tiền lệ, nhưng trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn đang ngang nhiên tồn tại một bãi tập kết trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần và sức khỏe của người dân.

Liệu có tiếp tục chủ quan?

Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh của người dân tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương về trường hợp tập kết phế liệu trên địa bàn xã có nguy cơ cháy, điều đang lưu ý là bãi tập kết này nằm ngay gần cây xăng Đồng Quang.

Người dân địa phương cho biết, bãi tập kết này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do thiếu các điều kiện theo quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều người dân sinh sống tại địa bàn xã Đồng Quang (cạnh QL38B) cho biết, bãi tập kết phế liệu này tồn tại từ nhiều tháng nay. Mỗi ngày, phế liệu khắp nơi tập kết về liên tục bằng xe ôtô tải, container. Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy rất cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Trước những phản ánh của người dân, Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới khu vực cơ sở tập kết phế liệu nêu trên để ghi nhận thực trạng. Thực tế cho thấy, tại nơi người dân phản ánh không có bất cứ bảng hiệu nào mà chỉ tồn tại một khu nhà xưởng được lợp tôn và quây tôn bao quanh toàn bộ khu vực dùng để tập kết vật liệu. Nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhìn thấy cơ sở này xây dựng một cách tạm bợ, không được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng như các điều kiện bảo đảm cảnh quan môi trường và PCCC khác.

Khi phóng viên có mặt, cơ sở hoạt động rất nhộn nhịp với một số công nhân đang phân loại phế liệu, nhiều xe tải cỡ lỡn chở hàng đến và đi liên tục.

Hải Dương: Ngang nhiên tập kết phế liệu trên đất dự án tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Bãi tập kết phế liệu nhìn từ trên cao

Không chỉ tập kết ở trong nhà xưởng, phế liệu này còn được tập kết ngoài trời, chất "cao như núi" không được che chắn, tràn ra sát mép sông Bắc Hưng Hải.

Ông N.V.H - một người dân sống trong khu vực, cho biết: “Đây toàn chất dễ cháy mà ngay cạnh cây xăng, nếu xảy ra cháy thì hậu quả khó lường".

Liên hệ với ông Lã Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đồng Quang, PV nhận được câu trả lời: “Tôi cũng đã nắm được chỗ này và cho anh em qua kiểm tra. Tôi sẽ báo cáo cáo vấn đề này lên huyện".

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với Công an huyện Gia Lộc. Ông Nguyễn Tiến Đạt, đội trưởng Đội PCCC&CNCH - Công an huyện Gia Lộc cho biết, Công an huyện đã có buổi làm việc vào ngày 10/6 và yêu cầu cơ sở dừng hoạt động.

"Qua kiểm tra, cơ sở này đang tập kết và sơ chế nhựa, chưa đảm bảo điều kiện PCCC nên chúng tôi đã yêu cầu dừng hoạt động ngay. Theo thông tin ban đầu, khu đất này được bà Phạm Thị Nhung cho ông Nguyễn Đức Khôi thuê lại để làm nơi tập kết. Về nội dung cho thuê cũng như điều kiện cho thuê thì chúng tôi đang xác minh thêm. Do bà Nhung đi viện vì sức khỏe nên chúng tôi chưa tiếp cận được.

Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, đề xuất lập đội liên ngành để xác định đủ các vấn đề của đất dự án, môi trường, phòng cháy chữa cháy... và có thể sẽ phải báo cáo lên tỉnh vì quy mô, tính chất nơi này khá lớn".

Ông Lê Đình Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lộc cho biết thêm: "Việc này chúng tôi đã phối hợp và cung cấp hồ sơ cho các anh công an huyện, thời gian tới, bên công an chủ trì, làm rõ các vấn đề thì tôi sẽ cung cấp thêm cho anh (PV). Quan điểm của chúng tôi là quyết liệt xử lý. Sau đó, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ, vi phạm đến đâu thì xử phạt đến đó, không phải cứ dọn sạch là xong".

Thiết nghĩ, việc thu mua phế liệu vốn là một trong những ngành nghề góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chính nó lại là tác nhân gây ô nhiễm, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Hoàng Duy
Phiên bản di động