Hà Nội: Tiến tới phủ kín và nâng tầm phân cấp, ủy quyền

Chiều 30/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế- xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Bổ nhiệm đồng chí Đỗ Văn Trường làm Phó Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội Tuổi trẻ Hà Nội lập thành tích chào mừng Quốc khánh 2/9 Hà Nội ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng Nông thôn mới Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh là Trưởng ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Thủ đô

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; Đại diện các Sở, ban, ngành thành phố; Các thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học...

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phân cấp quản lý 5 lĩnh vực với 16 nội dung

Dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế- xã hội trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XVI. Nghị quyết thay thế cho Nghi quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND TP (là Nghị quyết khung về mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi, danh mục 15 lĩnh vực).

Nghị quyết điều chỉnh các nội dung phân cấp quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực về kinh tế -xã hội trên địa bàn TP Hà Nội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND TP và chính quyền theo quy định pháp luật.

Cụ thể là việc quản lý 5 lĩnh vực với 16 nội dung, gồm: Quản lý đường bộ; Chiếu sáng công cộng; Công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; Thoát nước đô thị và xử lý nước thải; Vệ sinh môi trường; Bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành hành khách công cộng; Cấp nước sạch; Thủy lợi; Đê điều; Quản lý rừng; Thông tin truyền thông; Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; Văn hóa-thể thao, du lịch; Y tế; Các hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ.

Đặc biệt, nghị quyết quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước giữa chính quyền thành phố và chính quyền cấp huyện. Theo đó, nếu thấy cần thiết và được chính quyền thành phố cho phép, căn cứ nội dung được chính quyền thành phố phân cấp quản lý, chính quyền cấp huyện có thể tiếp tục phân cấp cho cấp xã thực hiện quản lý từng lĩnh vực và nội dung công việc trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể của mỗi địa phương...

Hà Nội: Chuyên gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế- xã hội
TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận, đánh giá sự chủ động của TP Hà Nội trong việc xây dựng nghị quyết về phân cấp ủy quyền, nhất là trong bối cảnh thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và TP; Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết, thống nhất việc phân cấp mạnh mẽ xuống cơ sở, cấp nào làm tốt nhất thì giao cho cấp đó thực hiện.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thời gian qua, TP thực hiện phân cấp quản lý đối với 15 ngành, lĩnh vực đạt nhiều kết quả nên cần tiếp tục kế thừa và bổ sung.

Dự thảo đã có nghiên cứu và thể hiện khá đầy đủ, song còn một số vấn đề cần xem xét thêm. Cụ thể về việc quản lý công viên, cây xanh, theo ông Nghiêm, các công việc giao cấp huyện quản lý phải thống nhất với cơ quan quản lý chuyên ngành để tránh tự phát. Bên cạnh đó, việc quản lý bến, bãi đỗ xe là vấn đề đang chịu áp lực nên cần quy định chi tiết hơn với đối tượng do cấp huyện quản lý.

Hà Nội: Chuyên gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế- xã hội
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu các ý kiến

Còn TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP lại cho rằng, trong toàn bộ nội dung phân cấp quản lý về văn hóa - thể thao - du lịch tại nghị quyết, TP hơi ôm đồm, chưa mạnh dạn phân cấp về cho các quận, huyện. Ví dụ, ngay như trong lĩnh vực du lịch, TP vẫn quản lý tất cả các khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch (Khoản 6, mục a, Điều 16) và quản lý tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nữ hành quốc tế và nội địa trong lĩnh vực du lịch; Các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch…. Do đó, nên mạnh dạn phân cấp về cho các quận, huyện hơn để cấp TP tập trung vào nghiên cứu xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô đối với toàn ngành, toàn lĩnh vực và tập trung quản lý tốt một số cơ sở, danh nghiệp lớn, quan trọng...

Một số ý kiến đề nghị bổ sung xem xét thêm trong việc phân cấp quản lý các chợ; Đồng thời bổ sung nhân lực, nguồn lực, đảm bảo tổ chức bộ máy để thực hiện nghị quyết...

Phủ kín phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải chia sẻ, đây là nội dung khó, quan trọng, được UBND TP nhận thức sâu sắc trong suốt quá trình xây dựng nghị quyết.

Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND TP sẽ rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo, trình HĐND tại kỳ họp tới.

Hà Nội: Chuyên gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế- xã hội
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, đây là nội dung được đặc biệt quan tâm do thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển Thủ đô.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đề nghị sau hội nghị, UBND TP chọn lọc những ý kiến phù hợp, khả thi, để hoàn thiện dự thảo; Đồng thời mở rộng và làm sâu sắc, cụ thể, rõ hơn những nội dung phân cấp và ủy quyền trong nghị quyết; Quan tâm, lựa chọn bổ sung thêm những nội dung, lĩnh vực và tranh thủ tối đa chiệu lực của các luật chung, luật chuyên ngành để phủ kín phân cấp ủy quyền các lĩnh vực đang dự kiến; Từ đó giải quyết các vướng mắc, hài hòa giữa trách nhiệm quyền hạn giữa các cấp.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị UBND TP cần lưu ý sự quan tâm tới sự tham gia của người dân, đoàn thể để đảm bảo tính khả thi khi đề án và nghị quyết được ban hành; Thường xuyên đánh giá cập nhật tình hình, điều chỉnh các nội dung đã được xác định trong nghị quyết trên cơ sở khoa học, khách quan. Cùng với đó, nâng tầm các nội dung phân cấp ủy quyền để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đồng thời, Hà Nội tăng cường sự phối hợp giữa cấp, ngành để đưa nghị quyết vào cuộc sống...

Hạnh Nguyên
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động