Hà Nội tạo cơ chế cho doanh nghiệp chống rác thải nhựa bền vững
Ô nhiễm không khí cú sốc lớn toàn cầu |
1.000 bản cam kết chống rác thải nhựa
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 28 trung tâm thương mại (TTTM), 142 siêu thị, 455 chợ và gần 2.000 hệ thống cửa hàng tiện ích và chuỗi. Trong quá trình kinh doanh, việc sử dụng các sản phẩm dùng đồ nhựa 1 lần, túi nilon bao gói cho khách đang ở ngưỡng lớn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hưởng ứng cuộc vận động chống rác thải nhựa do Thủ tướng chính phủ chỉ đạo, trong tháng 6/2019, Sở Công Thương Hà Nội đã trình UBND TP ký và ban hành Kế hoạch 144, theo đó triển khai kế hoạch sản xuất tiêu dùng bền vững trong đó nhấn mạnh chống rác thải nhựa. Đến tháng 7/2019, gần 300 doanh nghiệp đã tham gia trực tiếp ký kết chống rác thải nhựa.
| |
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội |
Sau đó, Sở Công thương tiếp tục ban hành chống rác thải nhựa trong sản xuất và tiêu dùng ngành, cho rà soát toàn bộ hệ thống trung tâm thương mại, chợ, phối hợp với Sở Du lịch rà soát các nhà hàng, khách sạn. Vừa qua, Sở đã ký kết văn bản liên tịch với Sở Du lịch chống rác thải nhựa trong lĩnh vực khách sạn, du lịch.
Theo bà Lan, đến nay đã có 1.000 bản cam kết tham gia chống rác thải nhựa của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng. Trong đó, ở khối sản xuất hiện có 20 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn thành phố ký cam kết chống rác thải nhựa.
Hưởng ứng tích cực phong trào này, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cũng chuyển sang sử dụng túi sinh học, bao gói các sản phẩm bằng lá chuối hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường. Các nhà hàng kinh doanh dịch vụ chuyển từ ống hút nhựa sang ống tre, ống giấy, ống từ bột ngô…
Có thể nói, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối đang triển khai đồng loạt phong trào chống rác thải nhựa; song lại chưa đồng loạt trong mọi lĩnh vực và vẫn có những tác động đan xen.
Theo đánh giá của PGĐ Sở Công thương Hà Nội, nhiều đơn vị từ góc độ là người tiêu dùng đến doanh nghiệp chưa nắm bắt được hết để tổ chức triển khai thực hiện hoặc có vướng mắc trong tổ chức, thực hiện. Chẳng hạn như trong hệ thống phân phối, một túi ni lông sinh học đắt gấp mấy chục lần một túi ni lông sử dụng một lần, hay bát đựng đồ ăn sẵn bằng bã mía trong TTTM AEON cũng có giá thành cao hơn bát nhựa dùng một lần.
“Việc này ảnh hưởng kết quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp phân phối. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tính đến bài toán kinh tế. Để triển khai mạnh mẽ hơn và nhanh chóng thay thế các sản phẩm dùng một lần khá khó khăn trong bối cảnh chi phí cho các sản phẩm thay thế cao hơn”, bà Lan phân tích.
Năm 2020 không còn cơ sở sản xuất túi nilon
Xác định ưu tiên công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa, bà Lan cho rằng, cần tuyên truyền “trọng tâm, trọng điểm” trong từng lĩnh vực. Với tinh thần đó, năm 2020, Sở Công thương Hà Nội sẽ xây dựng các loại hình tuyên truyền đến từng đối tượng từ doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng…
| |
Hệ thống siêu thị ở Hà Nội tích cực hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa. |
Theo bà Lan, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chống rác thải nhựa một cách bền vững. Bởi vậy, Sở Công thương sẽ phối hợp các cơ sở sản xuất rà soát chính sách và đưa ra đề xuất với thành phố, trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong thay đổi công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi cũng hướng tới tổ chức Hội nghị kết nối 3 bên bao gồm Nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà phân phối tiêu dùng để đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Kết nối doanh nghiệp sản xuất bao bì đó với nhà phân phối để tiêu thụ, khuyến nghị các doanh nghiệp phân phối khi thu mua bao gói để cho vào hệ thống tiêu thụ thì phải đảm bảo thân thiện môi trường”, bà Lan nói.
Khẳng định cơ chế, chính sách rất quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa, bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định & Đánh giá tác động môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Sở sẽ tham mưu thành phố; phối hợp với các Sở, ban, ngành đưa ra các chế tài xử phạt, thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất chất liệu thân thiện với môi trường.
“Để hoàn thiện và kiểm soát được, chúng tôi sẽ tham mưu thành phố tăng cường công cụ kinh tế về phí, thay thế sản phẩm, kiến nghị xử phạt với các đơn vị không thực hiện. Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020 không còn cơ sở sản xuất túi nilon”, bà Hưởng cho hay.
Theo bà Hưởng, hiện nay có một thực tế là đa số các cơ sở sản xuất túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đều là các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán và dùng công nghệ thô sơ nên khó quản lý.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện điều tra tình hình hoạt động sản xuất của các Nhà máy, cơ sở sản xuất nhựa, túi nilon khó phân hủy làm cơ sở đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp”, bà Hưởng nói.
Sở TN&MT Hà Nội sẽ có lộ trình đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào Khu, cụm công nghiệp để dễ quản lý; phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân để đảm bảo an sinh xã hội.
“Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển đổi áp dụng công nghệ hiện đại và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy. Khuyến khích đầu tư xã hội hóa trong việc đầu tư Nhà máy thu gom tập trung, tái chế chất thải nhựa”, bà Hưởng nhấn mạnh.