Hà Nội sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập tính giá nước sạch
Thời gian qua, việc thành phố chấp thuận tạm tính giá nước sạch cho Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống được bán là 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước sạch bán cho người dân, thậm chí cao hơn giá bán bình quân của các đơn vị kinh doanh nước sạch khác gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, việc Nhà máy nước mặt Sông Đuống đưa ra giá nước tạm tính là để làm thủ tục với ngân hàng. Bởi, nếu như các dự án điện thì hồ sơ vay vốn ngân hàng thường làm chặt chẽ ngay từ đầu với giá thành, giá bán, còn dự án sông Đuống không nhỏ nhưng không quá lớn nên có thể doanh nghiệp mới đưa ra mức giá tạm tính để làm thủ tục vay vốn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố đang tính toán có lộ trình hạn chế khai thác và tiến tới dừng việc sử dụng nước ngầm vì việc này gây ra tình trạng sụt lún, ô nhiễm môi trường. Thực tế dù chưa gây ảnh hưởng nhưng không được chủ quan bởi Thái Lan đã bị sụt lún.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hiện Hà Nội vẫn còn 50% nước ngầm, song theo lộ trình sẽ đẩy tỷ lệ sử dụng nước mặt lên bao nhiêu thì giảm tỷ lệ sử dụng nước ngầm xuống bấy nhiêu, để tương ứng.
Với nhà máy nước mặt sông Đuống, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ngay từ khi đồng ý chủ trương đầu tư dự án này, thành phố Hà Nội đã chấp thuận bán giá nước sạch tối đa (tạm tính) của Nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Trước đó, lý giải của ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay, việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" cụ thể đó là: Chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%.
Trên cơ sở tính toán của liên Bộ, nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức.