Hà Nội nhận bàn giao mẫu vật đặc biệt rùa Hồ Gươm
Sáng 16/3, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bàn giao tiêu bản rùa Hồ Gươm cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sau gần ba năm bảo quản, chế tác. Tiêu bản được trưng bày tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội).
Rùa Hồ Gươm chết ngày 19/1/2016, ngay sau đó các nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Đức hỗ trợ cùng nghiên cứu và lựa chọn vật liệu. Phương pháp nhựa hóa được lựa chọn bởi đây là phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai của rùa.
Rùa Hồ Gươm khi còn sống
Phương pháp này giúp giữ được nguyên vẹn mẫu vật (cả phần xương, sụn), đảm bảo mẫu vật sát thực nhất với mẫu sống, không để lại mùi và có độ bền cao. Trong quá trình chế tác, nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó là loại nhựa đặc biệt thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ được nguyên hình dáng cấu trúc.
PGS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết sẽ bàn giao tủ bảo quản, trưng bày và mẫu vật rùa Hoàn Kiếm cho UBND thành phố Hà Nội, đảm bảo người xem chiêm ngưỡng mẫu vật trọn vẹn nhưng vẫn bảo quản tốt mẫu vật.
Cá thể rùa Hồ Gươm có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay, vì thế các chuyên gia Đức và Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian chế tác, đảm bảo lột tả được thần thái, hồn của mẫu vật. Từng chi tiết nhỏ của tiêu bản rùa Hồ Gươm như màu sắc da, đôi mắt đều được nhà khoa học làm cẩn thận.
Trước đó năm 2011, rùa từng được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn 3 tháng, sau đó được trả về hồ và sống thêm được 5 năm. Khi chết rùa Hồ Gươm ước tính 200 tuổi.