Hà Nội bền bỉ, kiên trì và quyết liệt đầu tư cho văn hóa
Thông tin trên được Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ tại Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức vào sáng nay (23/7).
Văn hóa trở thành trung tâm trong mọi chính sách phát triển của Hà Nội
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. "Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong mọi chính sách phát triển của thành phố" - đồng chí khẳng định.
Điểm nhấn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô, đó là liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo |
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả, rõ nét. Cụ thể, TP đã ban hành chương trình toàn khóa về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Khẳng định đây cũng là địa phương trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề cấp ủy về công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, điều này không chỉ thể hiện chủ trương, văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Gần đây nhất, để phát huy truyền thống anh hùng, hòa bình và hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị 30 – CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Đây được coi là giải pháp nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và con người Thủ đô trong thời kỳ mới” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng trên địa bàn
Có thể thấy, 40 năm đổi mới, kinh tế, xã hội Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, thu nhập bình quân từng người của Hà Nội đạt trên 6.000 USD/người/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân gấp 1,2 – 15 lần bình quân chung của cả nước.
Diện mạo, bộ mặt hạ tầng của Thủ đô đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, trong nhiều nhiệm kỳ qua, thành phố đã kiên trì, bền bỉ đầu tư cho lĩnh vực phát triển văn hóa và con người. Điều này thể hiện rõ trong cả công tác chỉ đạo, điều hành và bố trí các nguồn lực.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội: 50 năm qua, nhận thức về văn hóa nói chung và văn hóa của của Thủ đô Hà Nội của Đảng bộ và Nhân dân thành phố có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Các giá trị văn hóa vật thể đã được quan tâm gìn giữ với nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn thời kỳ trong chiến tranh. TP Hà Nội cũng đi trước nhiều địa phương trong cả nước về nhận thức và hoạt động thực tiễn, không còn hiện tượng phá đình, chùa, đền, miếu… Tôi hy vọng, những chính sách văn hóa Hà Nội ban hành mới đây sẽ tiếp tục lan tỏa, đi vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả. |
“Tuy là Thủ đô nhưng Hà Nội còn trên 50% dân số ở nông thôn và tỷ trọng người dân tham gia vào kinh tế nông nghiệp lớn. Vì thế, TP chú trọng chính sách đầu tư toàn diện để mang lại sự công bằng, đảm bảo tiến bộ, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Cụ thể, TP Hà Nội đã đầu tư ngân sách là 42.000 tỷ cho 3 trụ cột phát triển bền vững: Văn hóa – Giáo dục – Y tế. Trong đó, riêng lĩnh vực văn hóa đã được đầu tư 14.200 tỷ đồng” – đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia văn hóa, nhà khoa học đánh giá cao những bước đi bài bản của TP Hà Nội trong vấn đề phát triển văn hóa.
Nhìn bức tranh chung của Hà Nội, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Thường trực Trung ương đánh giá, Thủ đô đang tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa. Vị trí, vai trò trung tâm, đi đầu và "gương mẫu” của văn hóa Thủ đô Hà Nội luôn được đề cao trong chiến lược, chủ trương, chính sách và thực tiễn của thành phố.
PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Thường trực Trung ương đánh giá cao hình mẫu Hà Nội trong phát triển văn hóa |
Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” làm rõ các vấn đề cơ bản: Những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; Đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua; Những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới. Các tham luận tại hội thảo nhằm tiếp tục triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), để góp phần vào việc tổng kết 50 năm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. |