Góc khuất xử lý những vụ "xe điên" rúng động Hà Nội

Vì rất nhiều lý do khác nhau, không ít vụ "xe điên" gây tai nạn giao thông ở Hà Nội bị rơi vào im lặng.
Cán trúng bé gái, tài xế lùi xe rồi bỏ chạy Pháp luật Hà Nội tuần qua: Xử lý nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng Va chạm với xe bồn trên đường Phạm Hùng, 2 phụ nữ tử nạn

Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, nhất là các vụ liên quan đến “xe điên” ở Hà Nội gây sự chú ý của dư luận nếu được điều tra, xét xử nghiêm minh kịp thời sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Thế nhưng, vì rất nhiều lý do khác nhau, không ít vụ thường rơi vào im lặng.

Khó truy tố chỉ vì tỷ lệ thương tật dưới 61%

Hơn 23h hôm 7/12/2018, trên đường đi làm thêm về đến phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Trần Lê Minh Trang (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội) bị lái xe Phạm Thế Duy (38 tuổi, quê ở Quảng Ninh) điều khiển chiếc xe Range Rover vượt đèn đỏ tông trúng. Nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng dập não, gãy xương đùi phải, đa chấn thương.

goc khuat xu ly nhung vu xe dien rung dong ha noi
Sau khi gây tai nạn liên hoàn khiến nữ lao công tử vong trên đường Láng, sáng hôm sau tài xế Tuyên vẫn chưa tỉnh rượu.

Sau tai nạn, tài xế này bỏ trốn khỏi hiện trường khiến cơ quan điều tra phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới truy tìm được.

"Cần kiên quyết xử lý đối với những trường hợp lái xe gây TNGT nghiêm trọng. Nếu phát hiện trường hợp bao che, chạy tội cho người gây tai nạn nghiêm trọng, thì xử lý luôn cả người bao che, chạy tội. Pháp luật nghiêm minh thì mới có tính răn đe, kéo giảm TNGT được", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM.

Tuy nhiên, luật sư của nữ sinh Trang cho hay, sau gần một năm, cơ quan chức năng mới hoàn tất kết luận điều tra, kết quả giám định thương tật nữ sinh Trang có tỷ lệ thương tật gần 60%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc tài xế không bị truy tố, vì theo quy định của pháp luật, tỷ lệ thương tật của nạn nhân là 61% thì mới xử lý hình sự.

“Tôi cũng không mong tài xế bị khởi tố để mình được gì. Chỉ mong nếu được xét xử nghiêm minh sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và răn đe cho người khác”, ông Quân, bố nạn nhân Trang nói.

Tương tự là trường hợp chị Ngô Thị Hồng (sinh năm 1991, ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Năm 2011, Hồng đang là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng, trên đường đi học bị một chiếc xe tải chạy như bị "ma đuổi" tông trúng.

Điểm đáng lưu ý, kết quả giám định nạn nhân bị thương tật lên đến hơn 90%, liệt toàn toàn thân vĩnh viễn nhưng tài xế gây tai nạn cũng không bị truy tố.

“Người gây tai nạn và chủ xe đã dỗ ngon dỗ ngọt với lời hứa sẽ bồi thường và có trách nhiệm với Hồng để gia đình tôi rút đơn tố cáo. Sau khi gia đình tôi rút đơn, họ qua lại vài lần rồi bỏ mặc. Chúng tôi có tới cơ quan công an khiếu kiện vài lần nhưng không giải quyết được gì”, bà Phương, mẹ Hồng thở dài.

Mức phạt nhẹ không đủ sức răn đe

Hơn 7 tháng sau khi nữ lao công Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1977) bị "xe điên" tông tử vong khi đang quét rác trên đường Láng, bà Lê Kim Loan (sinh năm 1967, chị gái của bà Hà) cho biết, nạn nhân mất đi để lại hai con nhỏ, mẹ già.

“Bố mẹ các cháu đã ly dị trước đó, giờ mẹ cháu mất đi, bố cháu cùng cô, dì, chú, bác trong gia đình đều xúm lại giúp đỡ. Nhưng khoảng trống người mẹ để lại, không gì bù đắp nổi.

Nguyện vọng của gia đình là mong cơ quan pháp luật xử lý tài xế Tuyên ở khung hình phạt cao nhất, qua đó làm bài học cho mọi người”, bà Loan nói.

Vụ tai nạn kinh hoàng ấy xảy ra vào tối 22/4 khi Đỗ Xuân Tuyên (sinh năm 1970, trú tại Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) điều khiển ô tô va quệt nhẹ với 5 xe máy.

Tuyên không dừng lại mà tiếp tục bỏ chạy, cho đến khi bị người dân đuổi bắt. Tại đồn cảnh sát, sáng hôm sau Tuyên vẫn chưa tỉnh rượu.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội), là người được phân công bảo vệ quyền lợi cho bị hại là nữ lao công Hà cho hay, hiện cơ quan chức năng đã truy tố đối với tài xế Tuyên theo khung hình phạt tù từ 2-7 năm.

Theo luật sư Hải, vụ án này có nhiều tình tiết tăng nặng, do tài xế Tuyên say rượu gây tai nạn liên hoàn với hàng loạt phương tiện khác, bỏ chạy trốn cả một hành trình dài cuối cùng mới tông chị Hà tử vong tại chỗ nên việc truy tố bị can theo khung hình phạt trên là chưa thuyết phục.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, có những lý do từ phía gia đình nạn nhân, do tâm lý e ngại, không muốn khơi lại nỗi đau, không muốn vướng thêm vào các thủ tục pháp lý phiền hà sau khi đã mất đi người thân hoặc chịu hậu quả nặng nề do chấn thương, nên thường chấp nhận phương án thỏa thuận, bồi thường.

Còn về phía người gây tai nạn, đương nhiên họ luôn tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý, thậm chí tác động, can thiệp để giảm nhẹ trách nhiệm. Điều đó dẫn đến số vụ án TNGT được đưa ra xét xử rất ít, thiếu tính răn đe, thậm chí gây nhờn luật.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), về nguyên tắc, việc vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì việc khởi tố không phụ thuộc theo yêu cầu người bị hại.

Người bị hại có đơn hay không thì cơ quan cảnh sát điều tra vẫn khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật. Việc thoả thuận giữa gia đình tài xế với gia đình nạn nhân chỉ là thoả thuận về dân sự.

“Tuy nhiên, có thực trạng xảy ra TNGT nghiêm trọng, hậu quả chết người nhưng hai bên thỏa thuận với nhau, không trình báo cơ quan chức năng, mà cơ quan chức năng cũng không phát hiện ra thì sẽ không xử lý được.

Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện muộn, hiện trường bị xê dịch cũng khó xác định trách nhiệm lỗi”, luật sư Cường nói và cho rằng, để đảm bảo quyền lợi, sự công minh của pháp luật, khi xảy ra TNGT, các gia đình nạn nhân nên chủ động trình báo sớm.

Đối với các vụ án TNGT, cần xét xử lưu động, công khai để mọi người biết để rút kinh nghiệm khi tham gia giao thông.

Nguồn: Zing.vn
news.zing.vn
Phiên bản di động