Giữ chất lượng khi trăm kỳ thi riêng “đua nở”

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học đã tổ chức kỳ thi riêng nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh. Việc nở rộ các kỳ thi riêng khiến dư luận đặt ra câu hỏi, làm sao để chúng đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thí sinh có nên tham dự nhiều kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển? Đại học Quốc gia Hà Nội công bố 8 đợt thi đánh giá năng lực năm 2023 Những điểm mới trong kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Trăm kỳ thi riêng “nở rộ”

Hiện nay, bên cạnh kỳ thi riêng của Bộ Công an, nước ta có 8 cơ sở giáo dục đã tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các kỳ thi riêng, gồm: Kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT của Đại học Quốc gia Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội;

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh; Bài kiểm tra đánh giá năng lực TestAS của Trường Đại học Việt Đức; Kỳ thi riêng của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Lịch thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022
Lịch thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022

Ngoài ra, nhiều cơ sở giáo dục đại học khác cũng thông báo sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy này để xét tuyển. Mùa tuyển sinh năm nay, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển; gần 90 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Sỹ tử liệu có rơi vào áp lực nhân đôi?

Tại buổi thông tin về kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trả lời báo chí về việc hiện nay có nhiều đại học tổ chức kỳ thi riêng, lo ngại áp lực đè lên vai thí sinh, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết, nhiều trường đại học trên thế giới cũng có các hình thức khác nhau để đánh giá năng lực học sinh nên có thể xem đây là xu thế chung. Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác đinh một học sinh trở thành công dân, còn xét tuyển đại học giúp các trường và thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể. Và các kỳ thi riêng ra đời để đáp ứng điều này.

Giữ chất lượng khi trăm kỳ thi riêng “đua nở”

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, một giáo viên THPT tại Hà Nội cho hay, một bộ phận mải ôn luyện cho kỳ thi riêng mà lơ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, từ lâu nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã là một áp lực rất lớn đối với học sinh. Nhưng giờ đây, các em phải phân chia thời gian ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy để tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường. Từ đây, áp lực nhân đôi nhưng hiệu quả có phần chia đôi.

Thước đo nào đánh giá các kỳ thi riêng?

Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, Nghị quyết 29 đã nêu rõ chủ trương “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Nói rõ hơn, cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả.

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi công tác trước, trong và sau kỳ thi, bao gồm cả trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về đề án tổ chức thi và việc triển khai đề án tổ chức thi, quy chế thi, chất lượng đề thi và quy trình tổ chức thi và kết quả thi.

Giữ chất lượng khi trăm kỳ thi riêng “đua nở”

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, thực tế hiện nay cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị đó để xét tuyển. Chính vì vậy, các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan, đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Ở góc nhìn của Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

“Theo tôi, trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức. Và Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên bỏ vai trò quản lý của mình, tức Bộ phải tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng như vậy”, TS. Lê Viết Khuyến nêu ý kiến.

Đình Trung
Phiên bản di động