Giáo viên cũng sốc khi Phòng Giáo dục cho học sinh thi lại vì điểm thấp
Theo các giáo viên, không thể có chuyện vì nhiều học sinh bị điểm kém mà Phòng Giáo dục và Đào tạo cho học sinh thi lại. Làm vậy là sai nguyên tắc, trừ trường hợp bị lộ đề, ảnh hưởng đến công bằng của cả kỳ thi.
Thực hiện quy trình ra đề chưa nghiêm
Ban ra đề của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra một ma trận đề mới và học sinh lớp 9 trên địa bàn không làm được bài, dẫn đến điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán rất thấp (gần 70% số học sinh lớp 9 có điểm dưới trung bình). Vì điều này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã cho học sinh thi lại.
Đã từng xảy ra việc học sinh phải thi lại học kỳ, nhưng lý do thường là bị lọt đề hay lộ đề. Vì thế, việc Phòng Giáo dục cho học sinh trên địa bàn thi lại vì điểm thi thấp đã gây xôn xao dư luận và bất ngờ cho chính đội ngũ làm trong ngành giáo dục.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) không có chuyện được tổ chức thi lại như vậy, vì lâu nay khâu ra đề thi được xem là cực kỳ quan trọng và tuyệt đối không được để ra sai sót. “Nếu ra đề quá khó, không đúng chuẩn thì cần kỷ luật người ra đề và lãnh đạo phụ trách” - TS Vinh nói.
Theo một giáo viên dạy THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân, cô cũng khá bất ngờ khi học sinh lớp 9 trên địa bàn quận được thi lại vì đề thi có ma trận mới. Hiện nay quy trình ra đề thi học kỳ (đề kiểm tra) được quy định rất rõ tại công văn Số 8773/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phần phụ lục của công văn nêu rõ, để biên soạn đề kiểm tra cần thực hiện theo quy trình 6 bước nghiêm ngặt.
Các bước để biên soạn một đề kiểm tra. |
Trong đó, ở bước thứ 6 có khâu quan trọng là xem xét lại việc biên soạn đề kiểm tra. Theo đó, những người liên quan đến việc ra đề thi cần đối chiếu từng câu hỏi với hướng dẫn chấm và thang điểm, phát hiện những sai sót hoặc thiếu chính xác của đề và đáp án. Đối chiếu từng câu hỏi với ma trận đề, xem xét câu hỏi có phù hợp với chuẩn cần đánh giá không? Có phù hợp với cấp độ nhận thức cần đánh giá không? Thời gian dự kiến có phù hợp không?
Bước cuối cùng này cũng chú trọng việc thử đề kiểm tra để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu, chuẩn chương trình và đối tượng học sinh.
Theo giáo viên này, khi ra đề kiểm tra phải thực hiện tuần tự các bước trên để tránh sai sót. Trường hợp cho học sinh thi và đề đưa ra quá khó, không phù hợp với với trình độ của các em thì Ban ra đề và lãnh đạo Phòng Giáo dục phải xem lại quy trình ra đề đã sai sót ở khâu nào và phải chịu trách nhiệm.
“Cho học sinh thi lại vì điểm thấp là sai”
Một giáo viên khác ở quận Ba Đình (Hà Nội) cũng chia sẻ bất ngờ với lý do mà Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đưa ra để tổ chức cho học sinh khối 9 thi lại học kỳ môn Toán.
“Chỉ có nguyên tắc là đề thi giữa kỳ sẽ do trường ra, đề thi cuối kỳ và cuối năm sẽ do Phòng Giáo dục ra, chứ không có quy định nào nói là vì đề khó, học sinh được điểm thấp mà yêu cầu toàn bộ học sinh trên địa bàn phải thi lại như thế.
Đặc biệt đề thi Toán, một dạng bài sẽ có nhiều cách vận dụng, nhiều cách giải. Khi đi thi, nếu ăn may gặp đúng dạng cô cho làm trên lớp thì đạt điểm cao, còn không thì cũng phải chấp nhận”- giáo viên này nhấn mạnh.
Ngoài ra, lịch học, lịch thi của các trường hiện nay được quy định rất rõ ràng ngay từ đầu năm học. Khi thi học kỳ, các trường sẽ phải tổ chức cùng một thời điểm, chứ không có chuyện thi trước thi sau.
“Nói thế để thấy quy định về lịch thi, lịch học rất nghiêm ngặt, không có chuyện thi không làm được điểm cao rồi cho làm lại. Có thể vì sợ nhiều học sinh bị điểm thấp sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung nên mới làm như thế”- giáo viên nêu quan điểm.