Giáo dục Hà Nội tỏa sáng, khẳng định vị trí dẫn đầu
Quận Hoàng Mai: 3.600 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng chính trị hè Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa lý giải về tình trạng thiếu giáo viên Học kỳ không giảng đường với “Trại hè thủ lĩnh” |
Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.
15 năm điều chỉnh địa giới hành chính đối với thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan nhanh như cái chớp mắt của lịch sử. Tuy nhiên, cái chớp mắt đó đồng thời là hành trình để ngành Giáo dục Thủ đô từng bước khắc phục khó khăn, xóa ngắn khoảng cách giữa các quận, huyện, thị xã để vươn mình tỏa sáng, khẳng định vị trí dẫn đầu.
Song song với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, môi trường giáo dục được cải thiện rõ nét. Cơ sở vật chất cho các nhà trường được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại hơn…
Đến với trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) hôm nay, thật khó có thể hình dung, cách đây gần 20 năm, ngôi trường nhỏ bé nằm giữa lòng phố cổ của thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ mỗi mùa mưa về lại ngập ngang đầu gối. Những lúc ấy, giáo viên phải cõng học sinh đi qua đoạn sân ngập vào trường.
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội) giở những trang kỷ yếu, ôn lại kỷ niệm về ngôi trường từ những ngày đầu mới thành lập. |
Về Hà Đông công tác từ năm 2003, cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên chứng kiến từng sự đổi thay ở ngôi trường có bề dày lịch sử. Cô Thìn chia sẻ: “Trường Tiểu học Văn Yên có tiền thân là trường cấp 1, 2 Văn Yên, sau đó được tách thành trường Tiểu học Văn Yên A và THCS Văn Yên. Đến năm 1998, trường chính thức mang tên Tiểu học Văn Yên. Từ cơ sở vật chất thô sơ với phòng học cũ, sân trường thấp, nhỏ hẹp, thường ngập nước mỗi khi trời mưa, trường được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần.
Đến tháng 10 năm 2009, một năm sau khi Hà Nội điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, trường tiếp nhận toàn bộ diện tích từ trường THCS Văn Yên, nâng tổng diện tích lên 7.356,7m2. Đây được coi là bước ngoặt lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, các thầy cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với sự phát triển của Thủ đô”.
Trường Tiểu học Văn Yên là một trong số rất nhiều ngôi trường minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của ngành giáo dục quận Hà Đông sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính
Bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn ngày càng được càng cấp chính quyền quan tâm, cô Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ: “Nhớ lại thời điểm năm 2008, cơ sở vật chất trong các nhà trường còn thiếu, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 82%, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia còn thấp đạt 27,2% (15 trường/55 trường). Đến nay, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS có phòng học kiên cố và đạt chuẩn về chiếu sáng; Có đủ phòng bộ môn, phòng phục vụ học tập được trang bị đủ thiết bị dạy học, có đủ nhà vệ sinh đạt chuẩn. 69 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (tăng 54 trường so với năm 2008), đạt tỷ lệ 71,1%; Có 2 trường công lập chuyển sang mô hình trường công lập tự chủ chất lượng cao và đã đáp ứng được sự kỳ vọng của học sinh và cha mẹ học sinh trên địa bàn quận”.
Không chỉ có quận Hà Đông, sự đổi thay của ngành giáo dục Thủ đô còn thể hiện ở nhiều trường học các huyện vùng sâu, vùng xa của Hà Nội. Thay vào những dãy nhà tạm, nhà cấp bốn, các trường học được đầu tư cơ ngơi khang trang với những khối nhà cao hai, ba tầng. Thầy và trò được dạy và học trong những môi trường đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại, có bể bơi, thư viện, các phòng chức năng.
Tại huyện Ba Vì, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quy mô giáo dục của huyện đã có sự thay đổi thay đổi, phát triển rõ rệt cả về “lượng và chất”.
Hiện tại, toàn huyện có 120 trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông (42 trường mầm non, 34 trường tiểu học, 35 trường trung học cơ sở, 8 trường trung học phổ thông và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) với 2.358 lớp và 76.359 học sinh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
“Cơ sở vật chất trường học ngày càng được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Toàn huyện có 32 trường được mở rộng diện tích, 17 trường được quy hoạch ra khu đất mới. UBND huyện cũng đã chỉ đạo 3 trường (trường Mầm non Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ, Tiểu học Tây Đằng B và Trung học cơ sở Tản Đà) xây dựng đề án trường chất lượng cao theo kế hoạch của thành phố. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dần phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Phùng Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi hợp nhất, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường đầu tư đủ các danh mục thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Công tác thư viện trường học được quan tâm, đầu tư và hoạt động có hiệu quả. Chương trình chiếu sáng học đường, vệ sinh nước sạch đã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh |
Tại huyện Mê Linh, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Văn Hậu, ngay từ khi được sáp nhập về Hà Nội đến hết 2022, huyện đã tập trung đầu tư mở rộng quỹ đất, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường trực thuộc huyện với tổng mức kinh phí là trên 2.500 tỷ đồng. Diện tích đất đã mở rộng cho các nhà trường là 151.040,4m2, xây mới 620 phòng học, 364 phòng học bộ môn/thực hành, 35 nhà giáo dục thể chất.
“Hiện nay, toàn huyện đã triển khai xong quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho tất cả các trường từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Trên cơ sở quy hoạch triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch đã duyệt”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
Nhìn từ sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của các địa phương sau khi được hợp nhất về đào tạo, có thể thấy được một phần trong bức tranh toàn cảnh của giáo dục Thủ đô sau 15 năm.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Diện mạo các nhà trường ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn thành phố.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Học sinh Thủ đô liên tục đạt thành tích cao, ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.
Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục được quan tâm. Nội dung giáo dục văn hóa địa phương trong dạy học ở các trường phổ thông Hà Nội, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo được thực hiện hiệu quả trong toàn ngành.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã chủ động tham mưu UBND thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GD&ĐT có nhiều tiến bộ. Chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí trong top 10 sở, ngành, cơ quan thuộc thành phố. Đặc biệt, Sở đã thành lập Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố.
(Còn nữa)