Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII
Tầm nhìn mới về điện khí LNG cho phát triển bền vững |
Diễn đàn có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) và sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Trong chương trình, các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến, cùng thảo luận và tìm giải pháp trong tình huống giá năng lượng thế giới tăng cao khi mà nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh; Đánh giá thực trạng và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam…
Tại diễn đàn, PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế đã trao đổi tham luận về tầm nhìn mới điện khí LNG cho phát triển năng lượng tại Quy hoạch điện VIII.
Quang cảnh diễn đàn |
Theo Quy hoạch điện VIII, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí (trong đó có nhiệt điện LNG) rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.
Theo chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.
Về cơ sở hạ tầng tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Đồng thời xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, khí tái hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ, bao gồm việc xây dựng kho chứa LNG quy mô nhỏ, đội tàu, xe chuyên dụng cho vận chuyển LNG, trạm phân phối và hệ thống tái hóa khí để cung cấp khí LNG cho các khách hàng điện, khu công nghiệp cũng như hộ tiêu thụ.
Sự phát triển của ngành khí LNG cần đi đôi với quản lý an toàn và bảo vệ môi trường nên cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình… đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng khí tái hóa từ LNG.
Việc quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án nhập khẩu LNG (không phát triển dàn trải) giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG.
Về giá khí: Giá LNG tại thị trường Việt Nam được định giá dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Tùy thuộc vào nguồn nhập khẩu LNG (địa lý, nhà cung cấp...), cách thức lựa chọn (đàm phán song song, đấu thầu...), phương thức nhập khẩu (spot - giao ngay, term - định hạn...) cũng như chi phí đầu tư xây dựng và vận hành bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG vào Việt Nam có thể làm biến động giá LNG/khí tái hóa cấp cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ; Hai là, giá nhiên cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương.
Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá.
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế |
Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy cần nghiên cứu thành lập một hay một vài Trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện; Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước. Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực tế, đòi hỏi sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, địa phương và các Bộ ngành liên quan.
Giá khí hoá lỏng trên thị trường quốc tế hiện gồm giá giao ngay và Hợp đồng. Giá giao ngay là mua trực tiếp từ các tổ chức cung cấp theo thời giá thế giới, không mua theo giá cố định giao tương lai. Để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá nói chung, đặc biệt trong kinh doanh nhiên liệu nói riêng, thì hầu hết các nước phát triển thường sử dụng công cụ bảo hiểm giá (Hedging) - giao dịch hàng hóa phái sinh, có thể chủ động phòng ngừa rủi ro biến động giá.
Đây được xem là công cụ phổ biến mà ngay cả Việt Nam, trong các văn bản pháp lý cũng đã có quy định cho phép các doanh nghiệp nhiên liệu được sử dụng công cụ phái sinh theo thông lệ quốc tế.. Đây là nghiệp vụ có tính kỹ thuật, đòi hỏi năng lực, trình độ chuyên môn phân tích dự báo. DN kinh doanh khí LNG sử dụng công cụ này sẽ phòng ngừa được rui rro biến động giá khí LNG, sẽ đem lại hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng. Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn về xây dựng và vận hành kho cảng nhập khẩu LNG, các trang thiết bị vận chuyển LNG, bảo đảm về chất lượng, an toàn thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành các công trình khí LNG.
Trong giai đoạn bắt đầu nhập khẩu LNG, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG để tăng nguồn lực đầu tư, đa dạng nguồn cung ứng khí đốt cho nền kinh tế quốc dân.