Giải ngân vốn đầu tư công: Phát huy kết quả, làm tốt hơn trong năm 2023

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương mong muốn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và tiếp tục làm tốt hơn nữa trong năm 2023.
Hà Nội đề xuất Chính phủ phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công Vốn đầu tư công năm 2023 đã phân bổ hơn 638.000 tỷ đồng, đạt trên 90% kế hoạch Một năm “vượt khó” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, làm rõ thêm một số nội dung có liên quan và kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ, kết quả đạt được của năm 2022 rất tích cực với tỷ lệ giải ngân là 93,5%.

Theo ông Phương, đây là thành quả của quá trình nỗ lực, hết sức cố gắng của năm 2022 từ Trung ương đến địa phương, nhất là những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các Tổ công tác; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của các nhà đầu tư, các bộ ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

“Bộ KH&ĐT rất mong muốn và đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục phát huy những kết quả chúng ta đạt được trong năm 2022 và tiếp tục làm tốt hơn nữa trong năm 2023 với lý do năm 2023 tiền nhiều hơn, nhiệm vụ nhiều hơn nhưng cũng có thuận lợi là nhiều việc chúng ta đã giải quyết được trong năm 2022”, vị Thứ trưởng nói.

Giải ngân vốn đầu tư công: Phát huy kết quả, làm tốt hơn trong năm 2023

Liên quan đến một số kiến nghị vướng mắc về trình tự thủ tục vốn đầu tư công, kể cả công tác kế hoạch thực hiện dự án, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, cần phân biệt 2 nhóm.

Thứ nhất là nhóm về công tác kế hoạch cho đến nay đã được đổi mới rất nhiều, cải tiến nhiều và Bộ sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành địa phương để cải tiến tiếp.

Trước đây giai đoạn 2016 - 2020 và trước nữa thì quy trình kế hoạch là "2 lên 3 xuống, 5 quy trình" đến nay rút gọn chỉ còn "1 lên 2 xuống", rút đi rất nhiều nên không thể nói quy trình kế hoạch vất vả nữa.

"1 xuống đầu tiên là sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch hằng năm kèm theo thông báo kiểm tra vốn đầu tư công, sau đó các Bộ ngành xây dựng kế hoạch của mình và chỉ gửi đúng 1 lần lên, gửi để tổng hợp kế hoạch, sau khi trình sang Quốc hội, Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng chỉ giao 1 lần xuống. Như vậy chỉ có 1 lần lên và 2 lần xuống. Điều này cho thấy công tác kế hoạch cơ bản được cải tiến tốt và tiếp tục được cải tiến hơn nữa", ông Phương nói.

Thứ hai, liên quan đến quy trình dự án, Luật Đầu tư công và Luật 03 vừa rồi tiếp tục phân cấp một cách triệt để và đến nay về cơ bản đối với các địa phương, các dự án trong nước, từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương, Trung ương không có thẩm quyền trong quy trình này.

Đối với dự án ODA chỉ có còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, còn B, C là phân cấp địa phương. Đối với dự án quan trọng quốc gia thì chúng ta không có nhiều.

Ở đây chỉ có một số thắc mắc trong dự án đầu tư công, Bộ KH&ĐT trong báo cáo trước đây và đầu năm tiếp tục nêu các vướng mắc tập trung trong các tiêu chí của 7 lĩnh vực thì quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ, chưa đồng đều; đầu tư công phân cấp rất mạnh nhưng một số cái chưa được phân cấp mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chia sẻ thêm vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã được nghe các địa phương kiến nghị về việc chuyển đổi đổi đất rừng, đất lúa. Theo quy định pháp luật về bảo vệ rừng là hết sức nghiêm ngặt, chuyển đổi 1m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình Thủ tướng.

Theo ông Phương, đây là câu chuyện đối với các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bào dân tộc thiểu số. Ví như đối với Bắc Kạn đi đâu cũng gặp rừng cho nên làm một con đường vào thôn, bản là phải chuyển đổi đất rừng, phải báo cáo Thủ tướng. Đây là một hạn chế mà Đoàn công tác cũng ý thức được nhưng muốn sửa thì phải sửa Luật. Sửa Luật là câu chuyện lớn và phải có chương trình, bước đi chắc chắc.

Liên quan đến nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã đi và nắm tình hình. Việc thực hiện chỉ đạo về việc khắc phục dàn trải đối với chương trình mục tiêu quốc gia hơi khác so với đầu tư công thông thường, bởi đặc điểm, đặc thù của chương trình này rất nhỏ lẻ, đến tận người dân và thôn bản; cho nên Phó Thủ tướng chỉ đạo việc rà soát cần đúng đối tượng mới khắc phục được dàn trải.

Việc dùng vốn đầu tư công hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số theo ông Phương đang vướng đúng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có nói, nhưng để giải quyết việc này, trước đây đã có tiền lệ là khi dùng vốn đầu tư công để giải quyết việc hỗ trơ nhà ở cho người có công với cách mạng gặp những vướng tương tự. Lúc đó phải sử dụng quyết định của Thủ tướng Chính phủ để có cơ chế đặc thù dùng tiền đầu tư công nhưng cách chi tiêu như vốn thường xuyên.

Do đó, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo để trình Thủ tướng để sửa đổi Nghị định 27, trong đó sẽ bổ sung kinh phí chi tiêu để tạo điều kiện giúp Ủy ban Dân tộc xử lý.

Liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng có giải thích rằng, Quốc hội cũng đã phê duyệt nhưng hiện nay 41 hợp phần không thể giải ngân được. Lý do các bộ ngành không phê duyệt thẩm định kết quả nghiên cứu của các hợp phần làm cơ sở để thanh toán, quyết toán vốn.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ liên quan khi làm các hợp phần có các quyết định thẩm định thông qua hợp phần gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, các bộ ngành khẩn trương phê duyệt thẩm định kết quả để làm cơ sở thanh toán.

Khánh Khoa
Phiên bản di động