Gặp nạn vì… gắn mi giả khi đi khám sức khỏe
Các chuyên gia từ Trung tâm Y tế Bang Pennsylvania (Mỹ) vừa đưa ra cảnh báo cho phụ nữ về những tai nạn và sự sai lệch kết quả có thể xảy ra khi họ đi khám sức khỏe mà vẫn trang điểm đậm với hàng lông mi giả dày.
Tai họa sẽ xảy đến khi họ bước vào máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và sử dụng mi giả nam châm.
Mi giả nam châm rất phổ biến hiện nay, kể cả ở thị trường Việt Nam. Người dùng có thể gắn trực tiếp hàng lông mi giả vào mắt mà không cần dùng đến keo như trước.
Chúng được cố định bằng hai dải nam châm cực nhỏ. Điều này sẽ giúp các cô gái tránh được keo dán mi, thứ mà nhiều người lo ngại dùng nhiều sẽ gây rụng mi thật và gây kích ứng trong một số trường hợp. Việc tháo lắp mi giả nam châm cũng tiện lợi hơn rất nhiều.
Việc sử dụng mi mắt giả khiến kết quả khám sức khỏe có thể bị sai lệch. Ảnh: Healthline. |
Tuy nhiên, trong thí nghiệm này, nam châm cực nhỏ trong mi giả đã phá hủy nghiêm trọng các hình ảnh MRI. Trong khi đó, MRI thường được dùng để chẩn đoán nhiều tình trạng nguy hiểm như các khối u, phình động mạch não.
Mọi sự sai lệch hình ảnh nhỏ nhất đều có thể dẫn đến chẩn đoán thiếu chính xác hoặc ít ra là bạn mất tiền để thực hiện lại nếu bác sĩ phát hiện ra hàng mi phá hoại.
Đáng sợ hơn, một tai nạn tức thì có thể xảy ra. Các nhà khoa học phát hiện lực từ trong máy đủ mạnh để xé cặp mi giả một cách thô bạo ra khỏi mắt bạn, có thể dẫn đến tổn thương lớn ở vùng nhạy cảm này.
Hai nhà nghiên cứu đứng đầu là TS Einat Slonimsky và TS Alexander Mamourian đề xuất rằng mi giả nam châm nên được xếp cạnh các đồ trang sức và vật phẩm y tế bị cấm đem vào phòng chụp MRI.
Thông thường, trước khi chụp, bệnh nhân được yêu cầu loại bỏ tất cả vật dụng kim loại bao gồm đồng hồ, khuyên tai và các trang sức khác, răng giả, máy trợ thính,… Bởi chúng có thể bị cỗ máy hút mạnh.
Nếu bạn không thể chịu nổi việc bước ra đường mà không có thêm hàng mi giả, các chuyên gia khuyên ít nhất khi đi khám sức khỏe, bạn hãy dùng loại mi giả truyền thống, không có nam châm.