Đừng để "chợ giáo án" triệt tiêu ý nghĩa của việc đổi mới giáo dục
Thầy cô soạn giáo án, dọn trường lớp, sẵn sàng đón học sinh Các nước tiếp tục phản ứng về Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ |
Khi giáo án cũng trở thành “món hàng”
Không khó để có thể tìm kiếm và tham gia vào các “chợ” giáo án trên mạng xã hội. Vào vai một giáo viên có nhu cầu mua giáo án, phóng viên ngay lập tức nhận được phản hồi từ tài khoản đăng bán.
600.000 đồng/môn là mức giá được một tài khoản trên mạng xã hội đưa ra, trong đó bao gồm cả bản giáo án Word và giáo án trình chiếu Power Point. Ngay sau đó, tài khoản bán còn tung ra chương trình khuyến mại nếu thầy, cô mua nhiều sẽ nhận được mức giá “mềm” hơn là 1.600.000 đồng/3 môn. Khi được hỏi về chất lượng giáo án, người này tỏ ra vô cùng tự tin về “sản phẩm” của mình.
Việc rao bán giáo án được công khai trên mạng xã hội |
Đi kèm với mức giá đó là những lời quảng cáo như “soạn chi tiết”, “chuẩn công văn 5512”, “chuẩn công văn 2345”, “do thầy/cô trường công biên soạn”, “đầy đủ”, “chi tiết”,… Để gia tăng niềm tin cho người mua, phóng viên còn được người bán gửi bản mẫu của các bài giảng.
Theo bài đăng của người rao bán, họ có đầy đủ giáo án sách giáo khoa mới các môn năm học 2022 – 2023 đến giáo án sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 của bộ sách Cánh Diều, Kết Nối Tri Thức và cả Chân Trời Sáng tạo. Trong đó, giáo án học kỳ 1 sẽ được trả trước tới các thầy, cô.
Giờ đây, chỉ cần gõ cụm từ “giáo án” vào thanh tìm kiếm sẽ nhận về rất nhiều đề xuất về các hội nhóm từ chia sẻ, trao đổi thậm chí là cả mua bán loại “hàng” đặc biệt này. Điều đáng nói là, khi GD&ĐT ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (Công văn 5512) về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, thì các "chợ" giáo án hoạt động càng tấp nập.
Trên các hội, nhóm là nhan nhản bài đăng cung cấp giáo án các môn học của các khối lớp đến tài liệu, đề thi hay cả sáng kiến kinh nghiệm. Để người mua yên tâm, các tài khoản đăng đều xây dựng trang cá nhân uy tín với nhiều hình ảnh, bài viết về giáo dục.
Từng bỏ ra gần triệu để mua giáo án soạn sẵn, cô giáo N.T.L nhận về một tập giáo án khá sơ sài, chung chung. “Lúc bắt đầu nhắn tin, bên kia họ nắm được tâm lý phải soạn giáo án 4 bước theo công văn 5512 rất mất thời gian, khó, khổ, dài dòng, nên họ giới thiệu mình mua giáo án của họ. Chỉ vài trăm nghìn một bộ, mà chất lượng. Mình mua về rồi thì ngã ngửa vì không được như mong muốn.”, cô L chia sẻ.
Giáo án “chợ” liệu có thực sự chất lượng?
Nhận định vấn đề mua giáo án soạn sẵn, GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Do chương trình mở nên một chương trình có nhiều SGK. Trong khi đó, SGK triển khai trong từng nhà trường, đối tượng học khác nhau, người dạy cũng khác nhau... Vì vậy, các thầy cô không thể “bê” nguyên, “phát thanh” y hệt giáo án soạn sẵn. Sử dụng 100% giáo án soạn sẵn thì sự sáng tạo của người dạy bị triệt tiêu, làm mất ý nghĩa 1 chương trình nhiều SGK.
Lời khẳng định chắc nịch của người bán giáo án về chất lượng sản phẩm |
Về việc xuất hiện “chợ” giáo án 5512, một giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho biết, nhiều năm trong nghề không còn lạ với khái niệm “chợ giáo án”: “Chợ giáo án có từ lâu, nhưng gần đây mới rầm rộ trở lại. Khi bước vào chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 5512 về mẫu giáo án mới, tôi vẫn nghe đồng nghiệp nhiều nơi than thở, trường bắt soạn theo đúng y mẫu công văn, mỗi tiết học đến cả chục mặt giấy giáo án. Nhiều người không tìm hiểu kỹ để áp dụng linh hoạt thì sẽ thấy rất mệt mỏi và áp lực khi soạn giáo án theo mẫu mới này.
Hơn nữa, cái gì mới cũng thường lạ và gây tâm lý hoang mang, lo lắng, không ít người bởi vậy mà tìm đến chợ giáo án, mua một bộ về tham khảo, hoặc lười hơn có thể sử dụng luôn cho đủ bộ hồ sơ”, thầy giáo cho biết thêm.
Theo miêu tả của các thầy, cô, một tiết dạy theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH giáo viên phải soạn khoảng 15 trang A4, như thể “kế hoạch tác chiến”. Vậy nên, để có Kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn, Kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học của tổ chuyên môn, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy chương trình cũ của giáo viên, theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, một bộ phận giáo viên đã tìm đến “chợ” giáo án.
“Nếu các thầy cô tiếp tục mua và dùng những loại giáo án được soạn sẵn này, nguy cơ học sinh bị dạy sai kiến thức là rất lớn, vì chưa có ai kiểm tra những trang giáo án đó. Sử dụng giáo án mua, các thầy cô rất dễ rơi vào tình cảnh dạy chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng vẫn theo lối tư duy cũ. Như vậy, người chịu thiệt thòi sẽ là học sinh của chúng ta.” - cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên THPT ở Hà Nội bày tỏ lo lắng khi thấy đồng nghiệp của mình mua các mẫu giáo án được soạn sẵn.
Để giáo án phát huy giá trị
Trước tình trạng mua giáo án mẫu phục vụ cho công tác giảng dạy, đặc biệt là giáo án soạn theo yêu cầu phát triển năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, đây là hình ảnh vô cùng xấu xí.
Có cầu ắt có cung |
“Soạn giáo án là một việc làm rất thiêng liêng, thể hiện sự sáng tạo trong cách làm, cách dạy của giáo viên. Giáo viên không thể học thuộc lòng những thứ có sẵn từ người khác để áp dụng vào bài giảng của chính mình, như vậy còn gì là sáng tạo?
Mua bán giáo án là việc không nên làm và không được phép làm. Là giáo viên, thầy cô cần hiểu rõ đối tượng học sinh của mình, từ đó xây dựng và sáng tạo nên kế hoạch bài giảng hay, cách dạy tốt để học sinh có thể phát huy năng lực.
Giáo viên đi copy, lượm nhặt, sử dụng các mẫu giáo án có sẵn là biểu hiện của sự lười biếng, không sáng tạo và chưa làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo. Từ đó dẫn đến việc dạy và học không có ý nghĩa, nó có thể khiến học sinh, phụ huynh và cả xã hội mất niềm tin vào giáo dục”, PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cuộc sống luôn vận động, phát triển không ngừng, đòi hỏi chính thầy cô cũng phải đổi mới, không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Xưa nay, việc giáo viên soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng theo phương pháp riêng không chỉ thể hiện sự tâm huyết, mà còn là hình ảnh đẹp của người thầy. Nếu giáo viên không trung thực và tự giác với việc soạn giáo án để “dạy thật”, làm sao đòi hỏi học trò “học thật và thi thật"?
Người ta thường nói “Không thể xây nhà mà không có bản thiết kế cũng như không thể dạy học mà không soạn giáo án”. Từ năm học này trở đi, nhiều khối lớp sẽ áp dụng chương trình mới, thay đổi sách giáo khoa. Điều đó đòi hỏi ở các thầy, cô giáo đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp dạy học và đặt ra yêu cầu lớn hơn trong việc trau dồi kiến thức chuyên môn.